Phát triển nhân lực số

- Nhân lực số là lực lượng lao động có trình độ, làm chủ các thiết bị công nghệ số, có nhiệm vụ hiện thực hóa các yêu cầu về chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Phục vụ công cuộc chuyển đổi số, tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực này cả về số lượng, chất lượng.

Đảm bảo nguồn lực bắt nhịp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND, ngày 19-5-2022 triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị hệ thống thông tin; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người lao động toàn tỉnh.

Công ty Điện lực Tuyên Quang quản lý, vận hành lưới điện qua Trung tâm điều khiển từ xa.

Bà Hồ Thị Phương Lan, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tỉnh đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông mở khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin trên nền tảng học trực tuyến cho 530 cán bộ, công chức. Trong đó, có 30 cán bộ cơ quan cấp tỉnh, 500 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã và công chức quy hoạch lãnh đạo UBND cấp xã.

Anh Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, tham gia khóa học trực tuyến chuyển đổi số, anh hiểu biết hơn về công nghệ thông tin, cách thức xử lý lỗi thường gặp của máy tính; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ... Anh Quỳnh khoe, cũng nhờ khóa học mà anh đã hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ trên môi trường số.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao phục vụ công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Hiện tại, 2 trường chuyên nghiệp của tỉnh gồm: Đại học Tân Trào, trường Cao đẳng nghề Tuyên Quang đã có 210 sinh viên đang được đào tạo chương trình đại học, cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin và phần mềm. Tiến sỹ Lê Văn Hùng, Trưởng bộ môn Tin học, Khoa Cơ bản, trường Đại học Tân Trào cho biết, mỗi năm trường thực hiện thi tuyển, lựa chọn từ 30 - 35 học viên để đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin.

Tổ Công nghệ cộng đồng xã Thái Bình (Yên Sơn) thực hiện giao dịch trên môi trường mạng.

Phát triển nhân lực số đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, tỉnh cũng thành lập 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 10.257 thành viên. Toàn tỉnh đã có khoảng 20.000 lượt thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số qua hình thức tập huấn trực tiếp và trực tuyến để nâng cao khả năng sử dụng các ứng dụng số phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Phát triển nguồn nhân lực số là cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng thành thạo công cụ số trong xử lý công việc nội bộ và cung cấp dịch vụ số, tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ trên môi trường số. Anh Đỗ Anh Tuấn, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) cho biết, được tổ công nghệ cộng đồng cài đặt các phần mềm, hướng dẫn các thao tác sử dụng, giờ anh đã sử dụng thành thạo các dịch vụ trên nền tảng công nghệ như: đóng tiền điện, chuyển tiền, đăng ký khám bệnh... Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, trên 80% số người dân dùng điện thoại thông minh biết sử dụng thành thạo các dịch vụ trên môi trường số.  

Theo Tiến sỹ Lê Văn Hùng, Trưởng bộ môn Tin học, trường Đại học Tân Trào nhân lực số của tỉnh tương đối lớn, tuy nhiên nhân lực có chất lượng lại chiếm tỷ lệ rất thấp, cho dù số lượng sinh viên là người Tuyên Quang tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh hàng năm tương đối lớn. Ngay tại trường Đại học Tân Trào, trung bình mỗi năm có từ 25 - 30 sinh viên tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng chỉ số ít về làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp tỉnh. Theo Tiến sỹ Hùng, nguyên nhân do tỉnh có quá ít doanh nghiệp hoạt động về công nghiệp công nghệ thông tin, chưa có doanh nghiệp số, chủ yếu là doanh nghiệp, cửa hàng mua bán các thiết bị văn phòng, máy tính và phần mềm nhỏ lẻ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên người Tuyên Quang tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin lại đi tỉnh, thành phố khác làm việc.  

Tại Lễ phát động thi đua Chuyển đổi số - Năm dữ liệu số 2023 vừa được UBND tỉnh tổ chức trung tuần tháng 4 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh ta “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng” rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Để làm được điều này, ngoài các yếu tố về nhận thức, hạ tầng, an toàn thông tin thì vấn để nhân lực số phải được đặc biệt quan tâm, bởi đây là những “người lái con tàu” chuyển đổi số đi đến bến bờ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, địa phương phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Phấn đấu 100% lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số; tham gia chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại địa phương. Các huyện, thành phố xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp...

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục