Trái cây là sản phẩm được nhiều địa phương lựa chọn là sản phẩm OCOP (Trong ảnh: Vùng bưởi xã Đức Ninh, Hàm Yên).
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn) hiện là một trong những chủ thể sở hữu nhiều sản phẩm được chứng nhận nhất tỉnh với 7 sản phẩm gồm Chè xanh Ngọc Thúy, Trà Ngọc Thúy (cấp đông), Chè xanh Phú Lâm, Chè xanh Ngọc Thúy đinh, Chè xanh Ngọc thúy nõn, Chè xanh Phú Lâm đinh, Chè xanh Phú Lâm nõn. Đáng nói, từ khi Chương trình OCOP được thực hiện tại Tuyên Quang, gần như năm nào Hợp tác xã này cũng có sản phẩm tham gia chương trình và được chứng nhận.
Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, ngoài việc đưa những sản phẩm lợi thế của địa phương tham gia chương trình, ông tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Tin vui cũng liên tục đến với hợp tác xã này khi tháng 12-2022, với sản phẩm Trà Ngọc Thúy (cấp đông), ông Sử được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là 1 trong 62 nhà khoa học của nhà nông và tháng 1-2023, sản phẩm Chè xanh Ngọc Thúy nõn được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
Ông Nguyễn Công Sử, người đã có kinh nghiệm lăn lộn trong ngành chè hơn 20 năm nay cho rằng, câu chuyện làm nông nghiệp, nhất là trong phát triển các sản phẩm OCOP, thì muốn đi xa, đi đến đích, không thể chỉ mang sản phẩm lợi thế của mình ra cạnh tranh với thị trường một cách đơn thuần, mà phải có đầu tư, nghiên cứu để liên tục nâng cấp sản phẩm và cho ra đời những sản phẩm mới. Như Hợp tác xã Sử Anh, ngoài việc đầu tư chất lượng cho các sản phẩm truyền thống của mình, Hợp tác xã đang nghiên cứu nhu cầu sử dụng trà của giới trẻ, để tới đây cho ra đời các sản phẩm phù hợp - khi qua điều tra thực tế của Hợp tác xã, nhu cầu sử dụng trà theo kiểu truyền thống của giới trẻ đang ngày càng ít đi.
Anh Nguyễn Công Sử và sản phẩm Trà Ngọc Thúy (cấp đông).
Trên thực tế, số lượng chủ thể các sản phẩm OCOP có đầu tư, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm những năm qua không nhiều. Qua khảo sát đánh giá thực tế tại các cơ sở có sản phẩm tham gia đánh giá, phân loại OCOP năm 2022, có 67 hồ sơ thì chỉ có 4 sản phẩm đề nghị nâng hạng 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đề nghị nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, còn lại là sản phẩm đề nghị phân hạng mới. Và trong số này, chỉ có 6 sản phẩm đạt trên 70 điểm thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Hạn chế lớn nhất và chậm khắc phục nhất vẫn là cơ sở sản xuất, chế biến; bao bì chưa bắt mắt, nội dung ghi trên bao bì chưa đảm bảo theo quy định...
Năm 2020, sản phẩm mật ong rừng Bình Ca và mật ong nhãn Bình Ca, xã Thái Bình (Yên Sơn) được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Với mục tiêu nâng hạng sản phẩm, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu đã đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm. Năm 2021, 2 sản phẩm này đã được chứng nhận VietGAP, năm 2022, Hợp tác xã xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm nông sản tại thôn 4, xã Thái Bình, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết hàng hóa cung ứng thực phẩm an toàn. Ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu cho biết, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm là con đường duy nhất để sản phẩm của Hợp tác xã tạo được dấu ấn trong hàng chục, hàng trăm sản phẩm mật ong khác trên thị trường.
Việc gắn sao cho các sản phẩm tham gia OCOP đang tạo ra một cuộc đua nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP giữa các địa phương, giữa các chủ thể sản xuất để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, tìm chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước. Tuyên Quang hiện có 191 sản phẩm OCOP, nhưng số lượng sản phẩm có mặt trong các siêu thị, trung tâm thương mại, số sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa nhiều. Nếu các chủ thể chỉ khai thác sản phẩm lợi thế mà quên việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường. Vì trong kinh tế thị trường không có từ “thông cảm”, do vậy, dù các sản phẩm OCOP sản xuất ở làng xã, ở vùng sâu vùng xa nhưng vẫn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết