Phát triển y dược cổ truyền trong khám, chữa bệnh

- Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã chú trọng mở rộng, phát triển tổ chức hội để phục vụ sức khỏe cho cộng đồng tại nơi dân cư và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Lương y Chẩu Thị Hiến, xã Bình An (Lâm Bình) giới thiệu tác dụng của các bài thuốc.

Tại huyện Chiêm Hóa, Hội Đông y đã trở thành mái nhà chung để các hội viên tham gia sinh hoạt, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, phát triển và bảo tồn các bài thuốc quý, các giống cây, con dược liệu quan trọng; đồng thời, giáo dục hội viên phát huy y thuật và tâm đức.

Bác sĩ Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đông y huyện Chiêm Hóa, cho biết: “Thực hiện phương châm “Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để xây dựng nền y học Việt Nam khoa học - dân tộc và đại chúng”, hội đã thường xuyên kết hợp chặt chẽ với ngành y tế, qua đó tăng cường sự hợp tác thúc đẩy hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, y tế và pháp luật trong hành nghề y dược học cổ truyền; từng bước chuẩn hóa và nâng cao năng lực toàn diện của đội ngũ lương y, lương dược.

Theo báo cáo của Hội Đông y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 137 Hội Đông y các xã, phường, thị trấn đang hoạt động hiệu quả với gần 2.150 hội viên. Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, thổ nhưỡng phong phú, phù hợp với sự phát triển của nhiều loại động, thực vật, trong đó có nhiều loại cây, con làm thuốc chữa bệnh.

Những bài thuốc dân gian, những kinh nghiệm quý báu được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nên sự phong phú, đa dạng và những bản sắc riêng của y học cổ truyền. Nhiều ông lang, bà mế tâm huyết nghề nghiệp đã bảo tồn, lưu giữ những bài thuốc gia truyền hay, góp phần quan trọng trong phát triển đông y trên địa bàn tỉnh và của cả nước.

Từ đầu năm đến nay, đã có trên 39.200 lượt bệnh nhân điều trị bằng Đông y với gần 45.200 thang thuốc được dùng, 64.602 lượt bệnh nhân thực hiện các thủ thuật châm, điện châm, thủy châm...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết, do tuổi cao nên bà thường xuyên đau nhức chân tay, đau đầu. Khi đến khám tại Bệnh viện Y dược cổ truyền, bà được chẩn đoán rối loạn tuần hoàn máu não, thoái hóa khớp. Bà đã được điều trị xung điện, điện châm, xoa bóp kết hợp với sử dụng các thuốc tây y. Hiện nay các triệu chứng đau nhức chân tay, đau đầu, chóng mặt đã giảm hẳn.

Để tiếp tục phát huy vai trò của đông y trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về y học cổ truyền và hệ thống quản lý khám, chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế về y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y học cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập theo hướng kết hợp y học hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới về y dược cổ truyền.

Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phù hợp trong mọi lĩnh vực của đông y; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đông y nhằm phát huy tiềm năng của đông y phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục