Toàn cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6-2024.
Kinh tế, xã hội nằm trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước
Kỳ họp dành phần lớn thời gian để đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2024; kế hoạch đầu tư xây dựng; Kế hoạch đầu tư công năm 2025; kết quả thu chi ngân sách.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, đạt được tốc độ tăng trưởng khá, nằm trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước. Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,84% so với cùng kỳ (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ); giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 11.587,5 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh 2010) ước đạt 4.852,7 tỷ đồng, đạt 42,9% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; trồng rừng 9.731,6 ha, đạt 92,7% kế hoạch; thu hút 1,86 triệu lượt khách du lịch, đạt 67,6% kế hoạch, tổng thu từ khách du lịch 2.271 tỷ đồng, đạt 63,1% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.930 tỷ đồng, đạt 50% dự toán; tỷ lệ đô thị hóa ước hết tháng 6/2024 đạt 25,5%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 94,4%; 16.875 lao động có việc làm, đạt 74,8% kế hoạch…
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. Các hoạt động du lịch khởi sắc, thu hút số lượng lớn khách du lịch. Chỉ số cải cách hành chính (Parindex) năm 2023 đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022); tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Quyết tâm tháo gỡ khó khăn
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Mặc dù có nhiều tín hiệu vui trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tuy nhiên một số tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong báo cáo: Sản phẩm công nghiệp chủ yếu, giá trị xuất khẩu hàng hóa, tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp so với kế hoạch; việc thanh toán, hoàn ứng của các dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án hoàn thành trong năm 2024 chưa dứt điểm; tiến độ thực hiện một số dự án ngoài ngân sách còn chậm đưa vào hoạt động; tỷ lệ tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở đào tạo, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao được thu hút về tỉnh công tác còn thấp, nhất là ngành giáo dục và y tế; quy mô giáo dục phổ thông ngoài công lập chậm phát triển; việc xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm được phát hiện qua thanh tra thuộc thẩm quyền một số đơn vị cơ sở chưa kịp thời; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ở một số đơn vị còn chậm…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo trình bày Báo cáo kết quả phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm 2024.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023, các ngành đã thảo luận, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp. Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Anh Cương đã làm rõ một số hạn chế của sản phẩm công nghiệp còn chưa đạt kế hoạch. Đồng thời đề xuất, tiếp tục tổ chức tháo gỡ cho các dự án có vướng mắc. Các huyện cần quan tâm đến năng lực của chủ đầu tư. Việc thực hiện dự án các khu đô thị phải nhanh chóng để đưa vào hoạt động. Các ngành liên quan, các địa phương cần tích cực xử lý các tồn tại về xây dựng cơ bản.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đại Thành cho biết, hiện các xã đang nỗ lực duy trì các tiêu chí nông thôn mới. Các sản phẩm ocop đang dấu hiệu tích cực với việc sẽ xuất khẩu một số sản phẩm đến một số nước.
Về vấn đề thu ngân sách, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Thế Hùng cho biết những khó khăn trong 6 tháng cuối năm là thu tiền sử dụng đất với số thu hơn 250 tỷ đồng; việc gian hạn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, tiền thuê đất của Chính phủ đến cuối năm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu. Đề xuất tháo gỡ, khó khăn, Ngành Thuế đề nghị UBND tỉnh cần xác định giá đất để các huyện đấu giá quyền sử dụng đất trong quý 3; kịp thời phê duyệt phương án khai thác các mỏ khai thác khoáng sản. Các ngành và UBND các huyện thành phố triển khai quyết liệt các dự án khu đô thị, dự án xản xuất kinh doanh và dự án ngoài ngân sách.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đại Thành phát biểu thảo luận tại phiên họp.
Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Trần Viết Cương nêu khó khăn về việc thu ngân sách, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh xác định giá đất để thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và giao đất cho các hộ tái định cư. Xin cho thành phố đấu giá các khu đất thương mại để đạt chỉ tiêu về thu đất.
Bên cạnh đó, huyện Na Hang đề nghị được hoàn thiện mức thu phí lòng hồ, sớm hoàn thành đo đạc hồ sơ địa chính huyện; huyện Yên Sơn đề nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương mở rộng hoặc quy hoạch Khu xử lý rác Nhữ Khê về địa điểm mới hoặc đầu tư xây dựng nhà máy sử lý rác, bố trí kinh phí xử lý nước thải từ rác.
Kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên các cấp các ngành đã chủ động kịp thời, sáng tạo, đổi mới trong điều hành để tăng tốc tiếp cận mục tiêu kế hoạch năm.
Đồng chí nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần quán triệt nghiêm Quy chế làm việc, chương trình công tác của UBND tỉnh, của ngành, địa phương để bao quát hoàn thành các nhiệm vụ của năm. Cùng với đó là quyết tâm khắc phục khó khăn vượt qua thách thức; quyết tâm thực hiện “không nói không, không nó khó, không nói có mà không làm”; bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; quyết tâm cải thiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; quyết tâm thực hiện hoàn thành mục của năm.
Các đại biểu dự phiên họp.
Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương cần tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc ở cơ sở, chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại cấp trên. Trong đó, đối với việc xác định giá đất, UBND tỉnh chủ trì cần phải có sự tham gia của các ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, cần chủ động đánh giá tác động của các luật, nghị định để tham mưu việc xây dựng các nghị quyết để thực hiện; tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên.
Việc giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng chủ đầu tư xem lại các kiến nghị. Việc thu chi ngân sách cần có kế hoạch cụ thể, kịch bản cho thời gian tiếp theo để đảm bảo yêu cầu, kế hoạch được giao.
Các ngành liên quan cần chuẩn bị tốt các công việc khác như: Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lễ hội Thành Tuyên; tăng cường bám nắm, quản lý cơ sở, tiếp công dân giải quyết tốt các vướng mắc từ cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết