Bối cảnh phim truyện điện ảnh “Đất rừng phương Nam” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi.
Nhiều kỳ vọng từ công chúng
Dự án phim nhận được nhiều kỳ vọng của khán giả trong thời gian gần đây là phim truyện điện ảnh “Đất rừng phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm văn học về cuộc đời của cậu bé An trên hành trình đi tìm cha đầy chông gai và thú vị, gặp những người dân Nam Bộ hào sảng, chất phác và giàu lòng nghĩa hiệp ấy đã chinh phục nhiều thế hệ độc giả. Hơn nữa, tiểu thuyết này đã từng được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1997, đến nay vẫn còn in dấu sâu đậm trong lòng khán giả. Bản điện ảnh lần này được đầu tư với kinh phí lớn, có sự tham gia của những diễn viên có tiếng, bảo chứng thành công như Hồng Ánh, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật, Tuấn Trần… và các gương mặt nhí tài năng như Hạo Khang, Kỳ Phong… dự kiến ra mắt ngày 20-10.
Sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”, thêm một tác phẩm nữa của nhà văn ăn khách Nguyễn Nhật Ánh là “Ngày xưa có một chuyện tình” được chuyển thể lên màn ảnh rộng dưới bàn tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Câu chuyện tình yêu, tình bạn giữa hai chàng trai và một cô gái - Phúc, Vinh, Miền, đã được tái bản đến 14 lần, cho thấy được độc giả yêu mến đến cỡ nào. Chính vì thế, từ khi công bố làm phim (ngày 19-6) và hiện đang chọn vai, bộ phim nhận được sự quan tâm, háo hức của nhiều đối tượng công chúng.
Cũng giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư luôn hấp dẫn người làm phim dấn thân. Bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt khán giả cuối năm 2022, được chuyển thể từ hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”, đã ghi dấu ấn khi thắng giải Khinh khí cầu vàng - giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục tổ chức tại Nantes (Pháp) năm 2022, là đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải hạng mục Official Competition tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 2022…
Dòng phim chuyển thể văn học vẫn liên tục được các nhà làm phim lựa chọn khai thác sau những tác phẩm thành công, gây “sốt” phòng vé như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”… Tuy nhiên, không phải phim nào cũng gặt hái được kết quả tốt. Có không ít phim gây thất vọng cho khán giả, như “Kiều” cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du hay “Cậu Vàng” chuyển thể từ 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao…
Tìm sự kết nối văn học - điện ảnh
Tác phẩm gốc hay, thu hút lượng độc giả lớn nên các nhà làm phim mới lựa chọn chúng đưa lên màn ảnh. Tuy nhiên, với một bộ phim mà khán giả đã biết rõ nội dung cũng là thách thức của ê kíp, làm sao phải giữ được “linh hồn”, cái hay tác phẩm gốc nhưng cần có cái mới để khán giả xem.
Đứng trước nhiều “bom tấn” phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vẫn mạnh dạn làm “Ngày xưa có một chuyện tình”. Đạo diễn trẻ cho biết đã tìm được sự kết nối trong không khí và màu sắc của truyện để đưa lên phim. Trong quá trình làm phim, đạo diễn đã gặp gỡ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để lắng nghe chia sẻ của tác giả nhằm thực hiện bộ phim tốt nhất.
Tuy đã thành công với “Sống trong sợ hãi”, “Chơi vơi”, “Lời nguyền huyết ngải”, nhưng người yêu văn học và điện ảnh ban đầu khá nghi ngờ khi một đạo diễn Hà Nội như Bùi Thạc Chuyên lại làm phim về miền Tây đặc quánh trong văn của Nguyễn Ngọc Tư. Đạo diễn chia sẻ đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Lời thoại phim được chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấp bút. Vị đạo diễn Hà Nội cũng dành nhiều thời gian sinh hoạt với người dân miền Tây để thổi hồn sống động cho tác phẩm. Vì thế đạo diễn mới tạo ra bộ phim mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận định: “Đây chính là xương thịt mà mình có muốn tả cũng không ra được cái sống động này”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với phim “Đất rừng phương Nam” cho biết, không chỉ kể một câu chuyện giàu tình người, bộ phim kỳ vọng giúp thế hệ khán giả trẻ tìm thấy những khám phá về văn hóa, vẻ đẹp đất nước khi theo chân các nhân vật. Chính vì vậy, đoàn làm phim đã đầu tư công phu về bối cảnh, trải dài từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, đến An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh… Trong đó, có bối cảnh chợ nổi thuyền ghe tấp nập một thế kỷ trước được dựng mới đến 70%...
Việc chuyển thể văn học lên màn ảnh rộng tưởng có nhiều “bột” để “gột nên hồ”, nhưng tất cả những tác phẩm thành công đều phải được thực hiện rất kỳ công, thổi được vẻ đẹp sống động của điện ảnh, đưa những kỹ xảo, hình thức mà khán giả hiện nay ưa chuộng vào câu chuyên trên giấy.
Gửi phản hồi
In bài viết