Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đối với quy định tại khoản 2, Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan), đại biểu nhất trí với quy định nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như trong dự thảo Luật.
Theo đại biểu, quy định như trên là phù hợp, sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại và trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống cần phải giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe.
Đồng thời, giảm áp lực đào tạo, phù hợp tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của Quân đội. Mặt khác, cũng phù hợp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan vừa để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, vừa là thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội…
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo đánh giá, phân tích rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù; quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất phù hợp với tính chất, vị trí, môi trường địa bàn công tác, nhiệm vụ trong quân đội nhân dân để bảo đảm điều kiện sức khỏe của sĩ quan.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan: Tại khoản 7, Điều 31, Luật Sĩ quan sửa đổi năm 2014 quy định đối với sĩ quan tại ngũ: “Được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể nào về chế độ phụ cấp nhà ở đối với Sĩ quan. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể mức hưởng về phụ cấp nhà ở, hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm nhà công vụ theo từng đối tượng đối với lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân.
Đồng thời, bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái; khi nghỉ hưu được hưởng chế độ theo cấp bậc, chức vụ biệt phái, bảo đảm chính sách theo chức vụ cao nhất trước khi nghỉ hưu như quy định đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái.
Đối với quy định tại Khoản 3 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 15 về cấp bậc quân hàm đối với chức vụ của sĩ quan): Đại biểu băn khoăn, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân quy định cấp bậc quân hàm đối với chức vụ cấp tá trở xuống do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Tuy nhiên, hiện nay đối với cấp bậc quân hàm của Chính trị viên và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở cấp huyện là Thượng tá, còn lại Cấp phó thì giữ chức vụ Trung tá là chưa ngang tầm so với lực lượng Công an nhân dân (cấp phó Công an nhân dân là Thượng tá).
Do vậy, đề nghị xem xét và có quy định nâng cấp bậc quân hàm đối với lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân ở cấp cơ sở; nâng trần quân hàm từ Trung tá lên Thượng tá đối với chức danh Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết