Phòng, chống dịch Covid-19: Nhiều nước gắng tự chủ nguồn vắc xin

Biến chủng Delta lây lan cùng mối đe dọa từ các biến chủng mới tiếp tục đè nặng lên nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Để tự chủ nguồn cung, nhiều nước đang nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất vắc xin phòng Covid-19.


Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang coi việc tự chủ về vắc xin là phần quan trọng trong chiến lược
tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang coi việc tự chủ về vắc xin là phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.

Đầu năm 2020, khi những đợt giãn cách xã hội đầu tiên được các nước áp dụng, nhiều người kỳ vọng khó khăn sẽ sớm chấm dứt khi vắc xin ra đời. Tuy nhiên, sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành, chưa quốc gia nào thực sự trở lại với cuộc sống thường nhật. Các dự báo cho rằng, thế giới còn phải chung sống với dịch Covid-19 trong dài hạn và nhân loại sẽ cần thêm hàng tỷ liều vắc xin trong những năm tới, đặc biệt nếu các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện, đe dọa vô hiệu hóa vắc xin thế hệ đầu tiên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năng lực sản xuất vắc xin toàn cầu đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu ước tính trong năm 2021. Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận nguồn cung vẫn khiến nhiều nước khan hiếm vắc xin. Giới chuyên môn cho rằng, đây là hệ quả từ sự chênh lệch giữa nước giàu và những nước kém phát triển. Bên cạnh đó, khó khăn còn tới từ nguồn cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, sự trì trệ trong chuyển giao công nghệ, khủng hoảng ở khâu bào chế khi các nhà máy ở Ấn Độ chuyên sản xuất vắc xin AstraZeneca bị dừng hoạt động hồi tháng 3-2021.

Để tự chủ nguồn cung, nhiều nước đang tính tới việc tự nghiên cứu và sản xuất các loại vắc xin phòng Covid-19. Sản xuất vắc xin tại chỗ không chỉ cắt giảm được chi phí vận chuyển, bảo quản mà còn tạo sự chủ động, phù hợp với nhu cầu tiêm chủng của mỗi quốc gia. Về lâu dài, khi những biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 biến đổi với sự khác biệt theo từng vùng, việc điều chỉnh chất lượng vắc xin đặc trị cũng sẽ phù hợp và hiệu quả hơn. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tự sản xuất vắc xin còn giúp các nước nâng cao vị thế trên bình diện khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, song song với củng cố an ninh quốc gia. 

Trước những đòi hỏi của thực tế, tầm nhìn này nhanh chóng được các quốc gia nỗ lực triển khai. 

Tại Australia, vắc xin BCG của Trường Đại học Melbourne được đánh giá khá hiệu quả, trong khi vắc xin COVIran Barakat của Iran được trông đợi có thể giải quyết làn sóng dịch bởi các biến chủng mới. Ngay tại Đông Nam Á, bên cạnh Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trong việc hoàn thiện vắc xin Nano covax, Thái Lan cũng phấn đấu có được ba loại vắc xin khác nhau gồm: Baiya SARS-CoV Vax 1, ChulaCov19 và NDV-HXP-S. Còn Indonesia cũng đang phát triển vắc xin Merah Putih, dự kiến xuất xưởng lô đầu tiên vào đầu năm 2022. Tại Nam Mỹ, vắc xin Abdala của Cuba thậm chí ngăn ngừa tử vong do Covid-19 đạt gần 100%, trong khi khả năng phòng ngừa truyền nhiễm đạt 92,28%. Bên cạnh các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, hoạt động sản xuất vắc xin dựa trên cơ chế chuyển giao công nghệ cũng đang diễn ra sôi động tại nhiều quốc gia.    

Thực tế, vấn đề tự lực về vắc xin cũng đang có nhiều rào cản, như quyền sở hữu trí tuệ, nguồn tài chính, nhân lực, khả năng thu thập nguyên liệu thô từ các nhà sản xuất. Việc bảo đảm hiệu quả vắc xin, cũng như chất lượng sản phẩm xuất xưởng sau đó có rất nhiều ràng buộc nghiêm ngặt từ khâu kiểm định đến việc cấp phép lưu hành. Các trung tâm nghiên cứu luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để vắc xin do đơn vị mình tự sản xuất được công nhận rộng rãi trên thế giới...

Tự chủ vắc xin được đánh giá là giải pháp chiến lược, toàn diện mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài. Nếu mỗi quốc gia cùng nỗ lực hết mình trong mối quan hệ hợp tác quốc tế thì tiến trình này sẽ sớm đạt được kết quả mong đợi.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục