Phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19

- Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Qua đó nhằm duy trì các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, số lũy tích người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 2.525 người. Trong đó, số mới phát hiện là 2 người, số lũy tích tử vong do AIDS là 865 người. Có 920 bệnh nhân HIV đang được điều trị bằng ARV, trong đó có 32 bệnh nhân mới điều trị. Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 7/7 huyện, thành phố; có 129/138 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.

Tuyên truyền lưu động phòng chống HIV/AIDS trên các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố.

Bác sỹ Hoàng Thị Tuyết, phụ trách Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được triển khai đồng bộ. Theo đó, tập trung vào các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc; điều trị bệnh nhân bằng thuốc kháng virus ARV; triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Trong năm, một số dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể kể đến như Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trên 400 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, lao động tự do... Dự án Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS do AHF tài trợ đã hỗ trợ xét nghiệm đo tải lượng virus cho các điểm xét nghiệm tại huyện Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố và Trại giam Quyết Tiến...

Anh Trần H. A, xã Thái Bình (Yên Sơn) chia sẻ, đã hơn 4 năm anh tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Hiện tại sức khỏe anh ổn định. Do tình hình dịch phức tạp nên từ đầu năm các bệnh nhân như anh nhận liều điều trị 3 tháng/lần thay vì nhận hàng tháng như trước. Đặc biệt, từ các dự án hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí xét nghiệm đã giúp anh bớt đi phần nào khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh. Các nhóm đồng đẳng tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang tạm dừng hoạt động. Vật phẩm cấp phát miễn phí như bơm kim tiêm, bao cao su đã hết. Các nguồn tài trợ cho chương trình can thiệp giảm hại bị cắt giảm. Hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng bị hạn chế...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền về hiểm họa của đại dịch; thông tin, giáo dục, thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS trong nhân dân, đặc biệt trong nhóm nguy cơ cao; phát động phong trào phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư... Ngành cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng trong dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS đến tuyến huyện, xã, thôn bản; duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone; phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm đồng đẳng...  

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS thời gian qua được kiềm chế đáng kể, số người nhiễm HIV và tử vong do AIDS giảm hàng năm. Qua đó tạo cơ sở và điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục