Phòng lây nhiễm chéo khi bệnh truyền nhiễm gia tăng

Thời điểm giao mùa như hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm: Adenovirus, sốt xuất huyết, cúm, hô hấp… gia tăng mạnh, trong đó đã có không ít trường hợp tử vong. Trước thực tế đó, ngành Y tế đang tăng cường các biện pháp giảm quá tải, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.

Bệnh nhi nhiễm Adenovirus điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương không phải nằm ghép, bảo đảm mỗi trẻ một giường bệnh.
Ảnh: Xuân Lộc

Hạn chế tình trạng nằm ghép

Trong các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương có số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc Adenovirus nhiều nhất. Từ cuối tháng 8-2022 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh. Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Riêng trong 2 tuần từ 12-9 đến 21-9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám. Riêng ngày 22-9, Bệnh viện đã phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân cần nhập viện. Hiện đã ghi nhận 7 ca tử vong là bệnh nhân mắc các bệnh lý nền đồng nhiễm Adenovirus.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện gần 100 ca mắc Adenovirus. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh do vi rút Adeno gây ra xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông. Vi rút Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Điều đáng nói, vi rút này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao do có sức đề kháng kém.

Cũng theo lý giải của các bệnh viện, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa, nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám.

Trước tình trạng quá tải bệnh viện, kéo theo nguy cơ lây nhiễm chéo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mà mắc thêm vi rút Adeno có nguy cơ tử vong cao. Do đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như: Đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.

Ngoài Adenovirus, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, với gần 800 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 3.800 ca mắc, trong đó có 5 ca tử vong. Hiện các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn…, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú cũng gia tăng đột biến.

Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, riêng với bệnh sốt xuất huyết, năm nay tỷ lệ các ca bệnh nặng nhiều hơn. Không ít trường hợp mắc bệnh, số lượng tiểu cầu giảm nhanh, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng lên (chiếm khoảng 10% bệnh nhân đến khám). Bệnh viện đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào khung giờ cao điểm.


Chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang). Ảnh: Lưu Thu

Trường hợp nặng mới cần nhập viện

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adenovirus, trong đó có xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc làm căn cứ cho bác sĩ khi khám, chẩn đoán.

Trước mắt, Bệnh viện Nhi trung ương đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, bảo đảm mỗi trẻ một giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã ra tiêu chí để phân loại. Theo đó, những trường hợp nhẹ như đã hết sốt, không suy hô hấp... sẽ được chuyển xuống tuyến dưới. Bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng, như: Khó thở, suy hô hấp, giảm ô xy máu, dấu hiệu toàn thân nặng, có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch...

Trước tình trạng các bệnh viện quá tải khiến phụ huynh lo lắng nguy cơ lây nhiễm chéo, nhất là trước sự xuất hiện của Adenovirus, bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) khuyến cáo: “Nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì cha mẹ yên tâm theo dõi để chăm sóc trẻ đầy đủ nhất. Khi trẻ có vấn đề, cha mẹ trực tiếp liên lạc với đường dây nóng của bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời...”.

Bác sĩ Phạm Thị Thảo cho rằng, trong quá trình khám, bác sĩ sẽ tiến hành phân loại, bệnh nhân nhẹ sẽ được hướng dẫn về nhà điều trị. Để phòng bệnh, mỗi người cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ăn uống đủ chất, tập thể dục để nâng cao thể trạng. Riêng với những bệnh có vắc xin, như cúm, Covid-19… cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời; không tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục