Chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại di động.
Chuyển đổi số cũng mang lại sự chủ động cho lực lượng chức năng trong công tác hết sức quan trọng này.
Nhiều ứng dụng phù hợp thực tế
Theo Công an thành phố Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 69 vụ cháy mức độ trung bình trở lên khiến 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3,3 tỷ đồng. Số vụ cháy và thiệt hại đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, nhiều vụ hỏa hoạn được xử lý kịp thời nhờ sự chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong phòng cháy, chữa cháy.
Trước đó, từ năm 2021, ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh là ứng dụng chuyển đổi số đầu tiên được Công an thành phố Hà Nội triển khai. Ứng dụng này hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh, chính xác nhất. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã triển khai phát hành mã QR chia sẻ kiến thức và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tới nhân dân.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Công an thành phố đã tiến hành số hóa các dữ liệu như định vị trên Google Maps vị trí của 3.238 trụ nước chữa cháy của thành phố; 722 trụ nước chữa cháy trong các khu đô thị, khu cụm công nghiệp, làng nghề; 2.230 nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh, mương, sông…); 3.670 bể nước thuộc cơ sở, doanh nghiệp có khối tích từ trên 20m3/bể, qua đó giúp chỉ dẫn các đơn vị khai thác hiệu quả khi tổ chức chữa cháy.
“Công an thành phố cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu gồm 8.324 phiếu chiến thuật được rút gọn từ các phương án chữa cháy đối với cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; tiếp tục số hóa 100% phương án các loại để chủ động khai thác thông tin khi cháy nổ xảy ra”, Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết thêm.
Ngăn ngừa sự cố cháy nổ có nguyên nhân từ điện chiếu sáng công cộng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng thông tin, trong thời gian vừa qua, quận Ba Đình đã tập trung triển khai dự án xây dựng trung tâm quản lý, theo dõi, vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh cho các ngõ, ngách trên địa bàn quận. Bên cạnh việc bảo đảm tiết kiệm điện, hệ thống cũng tự động thông báo, hiển thị sự cố, qua đó giúp lực lượng chức năng phản ứng kịp thời.
Thiết lập dữ liệu chung
Nhằm quản lý dữ liệu về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố, dự kiến chính thức đưa vào thực hiện (đối với cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy) từ tháng 12-2024.
Theo đó, thành phố sẽ triển khai nhập dữ liệu 100% đối tượng thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, để thực hiện tốt nội dung này cần có giải pháp cần thiết bảo đảm bảo mật phục vụ việc nhập liệu, quản lý dữ liệu và triển khai hạ tầng ứng dụng.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ rất lớn, yêu cầu các đơn vị phải thực sự quan tâm, bảo đảm các thông tin, dữ liệu trong ứng dụng phải được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, chính xác, như: Thông tin cấp phép xây dựng, thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy; các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; tình hình cháy, nổ, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy... Về tổng thể, hệ thống dữ liệu này còn nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp chính quyền thành phố.
Đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự quyết liệt của các cấp, các ngành, ứng dụng cảnh báo cháy sẽ phát huy hiệu quả, giúp giảm nguy cơ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, đưa Hà Nội đi đầu trong công tác chuyển đổi số nói chung và công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng.
“Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an đang đặt mục tiêu triển khai được 2 nội dung trong năm 2024, gồm đề án truyền tin báo cáo sự cố và hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu. Những nội dung này trùng khớp với các nội dung của kế hoạch được UBND thành phố Hà Nội ban hành. Hà Nội cần phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để triển khai hiệu quả ứng dụng cảnh báo cháy, bổ trợ cho nhau về cơ sở dữ liệu, tránh sự xung đột, chồng chéo trong công tác quản lý”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.
Gửi phản hồi
In bài viết