"A lùa ba" của bản

- A lùa ba, kênh YouTube của nhóm thanh niên dân tộc Tày ở Lâm Bình mới xuất hiện giữa năm 2021, nhưng đã tạo được dấu ấn riêng trong vô vàn những kênh giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, du lịch miền núi. Ví họ như những “Lý Tử Thất nơi non cao”, là bởi họ cũng như những tiên nữ nơi đồng quê, đang từng ngày góp sức mình lan tỏa nét văn hóa truyền thống quê hương ra với cộng đồng, khi sức mạnh của Internet đang dần xóa nhòa những biên giới thực.

Những Lý Tử Thất nơi non cao

A lùa ba, theo tiếng của đồng bào dân tộc Tày, nghĩa là Thím dâu. Trưởng nhóm Chẩu Văn Khảm, người khởi xướng cho hoạt động của kênh YouTube bảo, trong văn hóa người Tày, A lùa ba cũng giống như mẹ, như bà, là người gần như gánh vác mọi việc trong gia đình. A lùa ba cũng với ý nghĩa là để chỉ những người phụ nữ dân tộc Tày tháo vát, đảm đang và khéo léo nhất.

Anh Khảm vốn chẳng liên quan gì đến hoạt động du lịch. Anh là giáo viên Trường Tiểu học xã Phúc Yên. Mỗi ngày chạy xe máy đi làm từ lúc mờ sương, bốn mùa đều đặn, anh đều được ngắm, tận hưởng những cảnh đẹp thần tiên của xứ sở mình. Anh Khảm bảo, những ngày đầu nói đến tình yêu quê hương, cảm thấy xa lạ lắm. Nhưng càng sống, càng gắn bó, càng cảm nhận, mới thấy tình yêu ấy được  bồi đắp mỗi ngày. Đó là cảm nhận được vẻ đẹp của những cung ruộng bậc thang từ mùa nước đổ đến mùa lúa chín; là được ngắm mây như những chiếc khăn bông trắng muốt phủ quanh những ngọn núi; là được chứng kiến lớp lớp thế hệ chính những học sinh của mình lớn khôn và trưởng thành... Tình yêu ấy lớn dần trong anh, và nó thôi thúc anh phải làm một điều gì đó để lan tỏa đến nhiều người dân quê hơn nữa.

Các thành viên nhóm A lùa ba trong một buổi thực tế tại Xuân Lập (Lâm Bình). 

Chẩu Văn Khảm có một nhóm bạn thân 5 người: Chẩu Văn Hiền, Ngô Vương, Lý Thị Ngoan, Nông Thị Thu. Khi gợi ý về một kênh YouTube của những thanh niên miền núi của anh được đặt ra, ai nấy đều đồng tâm hưởng ứng. A lùa ba ra đời, vào tháng 6 - 2021.
Từng thành viên trong nhóm, đều được phân công việc cụ thể. Anh Khảm, anh Hiền là người xây dựng kịch bản. Ngô Vương phụ trách quay phim và hoàn chỉnh các video; Nông Thị Thu vừa tốt nghiệp Đại học Du lịch phụ trách việc dẫn chương trình, dẫn hiện trường và Lý Thị Ngoan - một “nghệ nhân” hát Then ở Nặm Chá tham gia với vai trò là diễn viên. Đây cũng chính là những A lùa của nhóm.

Chỉ sau hơn 3 tháng hoạt động, A lùa ba đã cho ra đời 12 video và rất nhiều chùm ảnh đẹp về những món ăn, những nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Những món ăn truyền thống như cá suối lam ống nứa, nộm rau dớn, gà nấu măng chua… được lồng ghép trong những câu chuyện hội thoại thường nhật của người dân quê, vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa riêng. Đặc biệt, gần như toàn bộ ngôn ngữ sử dụng trong các video là tiếng Tày và được Vietsub (phụ đề) ra tiếng phổ thông để người nghe, người xem hiểu được.

Mỗi Video được đăng tải trên YouTube của kênh A lùa ba đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của người xem. Nhiều video, như Huyền bí các con suối, thu hút hơn 5,5 nghìn lượt người xem. Cùng với YouTube, A lùa ba xây dựng một Fanpage trên mạng xã hội. Mỗi tháng, cũng có hơn 6 nghìn lượt người đăng ký, truy cập. Với một kênh YouTube mới ra đời, thì đây thực sự là con số ấn tượng.

Lấy đam mê, dưỡng đam mê

Những Video, chùm ảnh của A lùa ba lấy bối cảnh từ chính cuộc sống sản xuất, sinh  hoạt thường ngày. Mùa nước về thì có những câu chuyện xúc cá suối về lam ống nứa, mùa làm cốm thì quay những clip phục dựng nghi lễ làm cốm truyền thống của người Tày, mùa gặt thì có video cơm mới, thu hoạch lúa… Các clip do A lùa ba tự làm tuy còn khá thô mộc nhưng đó là cả một “kho tàng” văn hóa trong đời sống thường ngày của người Tày Lâm Bình, từ những phong tục tập quán, nét sinh hoạt cộng đồng, những bài hát, những lễ hội, trang phục của người dân tộc.

Những hình ảnh sinh hoạt đời thường là những chủ đề được A lùa ba ưu tiên khai thác.    

Ý tưởng sẵn từ cuộc sống hàng ngày, ngôn ngữ cũng là ngôn ngữ truyền thống của đồng bào. Các thành viên của A lùa ba lên khung cứng, rồi trong quá trình ghi hình sẽ điều chỉnh dần một số nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Càng mộc mạc, càng dân dã, đời thường, lượng người xem, tương tác càng cao. Chẩu Văn Khảm bảo, hình như đó cũng là cách mà những người con xa quê được hòa mình vào với đời sống sản xuất hàng ngày. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa phương đang phải giãn cách, thì chính sự hào sảng, lối sống dân dã, bình dị của những người nông dân phố núi lại càng trở nên gần gũi và đáng sống!

Ngày càng có nhiều người làm YouTuber, công việc này trở nên bão hòa khi có hàng nghìn clip được đăng lên kênh mỗi ngày, những clip của A lùa ba không chạy theo thị hiếu, nhưng cũng không vì thế mà trở nên mờ nhạt. Trưởng nhóm Chẩu Văn Khảm bảo, các thành viên trong nhóm đều tự khắc phục khó khăn. Người nào làm diễn viên thì tự tìm kiếm trang phục; người nào quay phim thì tận dụng máy quay, điện thoại,  máy tính có sẵn của gia đình… Cần diễn viên quần chúng thì huy động bà con. Những clip về phục dựng những nét văn hóa truyền thống thì tranh thủ xã nào có lễ hội nhóm tranh thủ cùng quảng bá.

Chưa tính đến chuyện có thể kiếm được tiền từ YouTube, những thành viên của A lùa ba có cách kiếm tiền khá “thực dụng” để nuôi đam mê: Chụp ảnh kỷ yếu, ảnh cưới, ảnh phục vụ du lịch và tập trung phát triển kinh tế.

Tận dụng lợi thế đất, khí hậu mát lành của miền núi, lại được nguồn nước hồ thủy điện Tuyên Quang bao quanh, 5 thành viên của A lùa ba tập trung chăn nuôi gà thả đồi, vịt hồ. Vừa có nguồn thu từ chăn nuôi, ngay khi cần “đạo cụ trực quan” để quay các clip là họ có sẵn nguồn hàng. Anh Khảm cười vui, khoe, mấy clip về gà ta nấu canh măng chua sau khi được đăng tải, anh chị em trong nhóm đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Đây chính là hướng đi về lâu dài của A lùa ba, để anh chị em trong nhóm có thể đủ sức, đủ lực nuôi dưỡng đam mê của mình.

Hiện 5 thành viên của nhóm A lùa ba đang tiếp tục xây dựng đồng thời 2 kênh YouTube nữa là Cơm mẹ nấu và Trải nghiệm du lịch Lâm Bình. Nhóm cũng dự định thành lập 1 Câu lạc bộ đàn hát các làn điệu truyền thống của người Tày như hát Then, Lượn, Cọi, Quan làng... Lý Thị Ngoan, “nghệ nhân” hát Then của nhóm bảo, đây cũng là tôn chỉ mà A lùa ba theo đuổi: Giữ gìn giá trị truyền thống đồng bào mình, để không có lỗi với thế hệ đi trước và không hổ thẹn với thế hệ sau!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục