Cháy bỏng với Soọng cô

- Ở Tuyên Quang dân tộc Sán Dìu tập trung đông nhất ở các xã Ninh Lai, Sơn Nam, Thiện Kế (Sơn Dương) với khoảng 20 nghìn người, đông thứ 6 trong các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nói đến dân tộc Sán Dìu, người ta nhớ ra ngay làn điệu Soọng cô huyền thoại, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh. Và người góp công lớn trong việc bảo tồn, phát huy làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu Tuyên Quang nói chung và xã Ninh Lai nói riêng chính là Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư.

Vinh danh

Từ thành phố Tuyên Quang xe chúng tôi bon bon trên Quốc lộ 37 và 2C chừng hơn 50 km là đến trung tâm xã Ninh Lai. Diện mạo nông thôn mới ở Ninh Lai thay đổi nhiều. Dưới chân dãy Tam Đảo sừng sững là những cánh đồng lúa mới cấy đang lên xanh rì bao quanh cộng đồng dân cư ở các thôn.

Đến thôn Ninh Lai, bà con vẫn râm ran truyền tai nhau chuyện chị Lục Thị Tư, dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1971 vừa được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ai cũng phấn khởi vì cộng đồng người Sán Dìu xã Ninh Lai đến nay có 2 người được phong nghệ nhân. Đó là ông Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú được Chủ tịch nước phong Nghệ nhân Ưu tú và chị Lục Thị Tư cũng thôn Ninh Lai được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong Nghệ nhân dân gian. 

Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư nhận Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng của gia đình tại thôn Ninh Lai, Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư cho biết, là người con dân tộc Sán Dìu chị lớn lên trong giai điệu Soọng cô từ ông bà, cha mẹ, các anh chị. Lớn lên đi làm giáo viên kiêm Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non xã Ninh Lai, tham gia Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã, chị càng hiểu, càng yêu và nung nấu khôi phục các làn điệu Soọng cô của dân tộc mình.

Ngày còn trẻ, chị Lục Thị Tư đã may mắn được chọn là người cùng tham gia phục dựng đám cưới, hát giao duyên Soọng cô của người Sán Dìu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, giao lưu sắc màu các dân tộc Việt Nam cho Đài Phát thành và Truyền hình Tuyên Quang, Đài Truyền hình Việt Nam. Từ một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai, Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư được tín nhiệm, bầu giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm câu lạc bộ với hàng trăm hội viên năng nổ, nhiệt huyết.

Chị đã đưa Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai đi biểu diễn giao lưu trong tỉnh và ra cả ngoài tỉnh. Như tham gia  Liên hoan “Tiếng hát Soọng cô” ở Quảng Ninh và đạt giải nhất, giải ba, biểu diễn ở Vĩnh Phúc đoạt giải nhì. Sức sống của Soọng cô được lan tỏa, thấm sâu vào đời sống tinh thần người dân xã Ninh Lai. Ông Nguyễn Phi Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tuyên Quang cho rằng, chị Lục Thị Tư vừa qua được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận Nghệ nhân dân gian là sự đánh giá cao đóng góp của chị cho cộng đồng. Một người phụ nữ vừa có tâm hồn, vừa có tâm huyết với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Muốn hát Soọng cô phải biết tiếng Sán Dìu

Theo Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư, ai muốn hát Soọng cô thì bắt buộc phải biết tiếng dân tộc Sán Dìu. Hiện nay hội nhập, giao thoa văn hóa, cộng với giới trẻ học, sử dụng tiếng phổ thông nên nhiều bạn không biết tiếng nói của dân tộc mình. Vì vậy việc truyền dạy, phục dựng lại Soọng cô vô cùng khó khăn. Trước những thách thức như vậy, chị bàn rất kỹ với ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai quyết tâm rà soát, tuyển chọn các cháu trong độ tuổi mở lớp dạy tiếng Sán Dìu.

Với vai trò là một cô giáo, chị Lục Thị Tư có nhiều kỹ năng sư phạm. Chị đã biên soạn lại giáo trình học sao cho ngắn gọn, cụ thể, dễ học, dễ nhớ. Kết quả 2 lớp học được mở ra với 47 học viên qua một thời gian kiên trì đào tạo đều nói thông thạo tiếng Sán Dìu. Xong giai đoạn này, Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư mới tiếp tục truyền dạy những làn điệu cơ bản của Soọng cô, rồi đi vào luyện nâng cao với nhiều bài khó, sắm trang phục biểu diễn, cho các cháu đi giao lưu. Cháu Lưu Thị Minh Tâm, thôn Ninh Lai qua học lớp của Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư kể, giờ cháu nói thông thạo tiếng Sán Dìu, được đi biểu diễn Soọng cô ở nhiều nơi vui lắm. Cảm ơn cô Tư nhiều!

Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư truyền dạy Soọng cô cho các thành viên Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai.

Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư cho biết, hát Soọng cô là hát đối đáp trữ tình, giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Soọng cô về hình thức diễn xướng cũng tương tự như sli, lượn của người Tày, Nùng, quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được ghi chép bằng chữ Hán cổ hoặc truyền khẩu, tiếng hát thể hiện tâm tư tình cảm của những đôi trai gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để trải tấm lòng mình, phương tiện để bộc lộ những tâm ý mà không dám ngỏ lời trực tiếp một cách tinh tế.

Không chỉ có vậy, Soọng cô còn là những lời hát ru đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, lời hát để hỏi thăm về gia đình, bạn bè của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Những câu hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường diễn xướng, người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hay trong lúc đi chơi làng, trong khi ru con và trong các lễ hội của người Sán Dìu. Hát Soọng cô đem lại tình yêu, niềm hạnh phúc và mọi nếp sống sinh hoạt đời thường khi đồng bào lên nương, xuống ruộng. Những câu từ, giai điệu tiếng hát được ký thác vào đó với nhiều hình tượng giàu hình ảnh, chất biểu cảm sâu sắc, với lời ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm và dễ rung động lòng người.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Khánh Linh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai khẳng định, xã có đông đồng bào Sán Dìu sinh sống. Cấp ủy, chính quyền xã rất vinh dự, tự hào khi vừa qua chị Lục Thị Tư, thôn Ninh Lai được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong Nghệ nhân dân gian. Chị là hạt nhân  tích cực, tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy làn điệu Soọng cô của địa phương, để Ninh Lai vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vừa bảo tồn, phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục