Chuyện vượt khó làm đường ở Cao Bình

- Chúng tôi hẹn với Trưởng thôn La Văn Chi để lên thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). Anh nói, thời gian này thôn đang dồn sức bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Vậy là lập tức lên đường để được “mục sở thị” chuyện vượt khó làm đường bê tông của người dân thôn đặc biệt khó khăn này.

Phát huy vai trò cấp ủy

Từ trung tâm xã Hùng Mỹ đi hơn 6km, vượt đèo Tham Và lên đến thôn Cao Bình. Toàn thôn có 76 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày, Dao. Điểm nổi bật khi đến Cao Bình là con đường bê tông vắt qua đỉnh núi Tham Và trải dài về trung tâm bản. 

Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, trước khi được bê tông, đường lên thôn là đường đất, trời nắng bụi, trời mưa trơn trượt. Vào mùa mưa, thôn gần như biệt lập bởi không ai lên, xuống núi được. Muốn lên thôn phải gửi xe máy chân đèo, đi ủng vượt dốc gần 1 giờ mới đến nơi.

Ngoài giao thông đi lại khó khăn, trước năm 2017, thôn Cao Bình chưa có điện, cả thôn 90% là hộ nghèo, cận nghèo... Từ thực tế trên, Đảng ủy xã Hùng Mỹ xác định muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, trước hết phải nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ thôn. Đảng ủy xã đã phân công một đồng chí cấp ủy trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND xã và một đồng chí ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ phụ trách, sinh hoạt với chi bộ. Sau Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã kiện toàn, phân công một đồng chí ủy viên BCH đồng thời là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách, sinh hoạt cùng chi bộ để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn tại cơ sở. 

Lực lượng Công an xã cùng người dân thôn Cao Bình bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đồng chí Ma Văn Chín, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, người được Đảng ủy phân công phụ trách Chi bộ thôn Cao Bình cho biết, tại các buổi sinh hoạt, sau khi triển khai các văn bản, nghị quyết của cấp trên, đồng chí định hướng chi bộ dành nhiều thời gian bàn các giải pháp phát triển kinh tế. Đồng thời, tham mưu, đề xuất BCH Đảng bộ xã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới ở thôn.

Đến nay, ngoài 6 km đường bê tông liên thôn, Cao Bình đã có điện lưới quốc gia; nhà văn hóa, điểm trường mầm non, tiểu học được đầu tư xây dựng. Trưởng thôn La Văn Chi phấn khởi nói, từ khi có tuyến đường bê tông vào thôn, bà con yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn sản xuất cây lạc tập trung, chăn nuôi lợn đen, trâu bò sinh sản;   nhiều loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất như ngô sinh khối, hồng giòn, tre bát độ... Trong thôn, có một số hộ phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn đen hiệu quả. Tiêu biểu như gia đình ông Lý Tiến Thắng, Hứa Văn Sen, Ma Văn Viên... Toàn thôn hiện còn hơn chục hộ nghèo.

Điểm sáng bê tông đường giao thông 

Cán bộ và nhân dân thôn Cao Bình những ngày này đang tất bật bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhất là những cán bộ thôn. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi đang ướt đẫm trên trán, anh La Văn Chi nói, hơn chục ngày nay, ngày nào anh cũng chạy 5-7 lượt không nghỉ để hỗ trợ bà con tháo dỡ công trình giải phóng mặt bằng, lúc thì nhào trộn bê tông. 

Xác định “cứng hóa” đường giao thông nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng khả năng giao lưu trao đổi hàng hóa. Vì thế, Cao Bình coi đây là cơ hội vàng để thôn cứng hóa các tuyến đường nông thôn. Trong 2 năm qua, thôn được đánh giá là điểm sáng về bê tông hóa đường giao thông. 

Năm 2021, Cao Bình đăng ký bê tông 3 tuyến ngõ, tổng chiều dài 1.320 m. Và là thôn bê tông hóa đường giao thông nhiều nhất xã trong năm nay. Ngoài xi măng  Nhà nước hỗ trợ, dự kiến kinh phí vật liệu xây dựng hơn 300 triệu đồng, chưa có công lao động. Đồng chí Lý Tiến Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Cao Bình chia sẻ, do kinh phí đóng góp cao, diện tích giải phóng mặt bằng lớn, Cao Bình gặp không ít khó khăn. Ngoài tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, loa truyền thanh hàng ngày, Chi bộ chỉ đạo Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận độnghội viên, đoàn viên thông qua các buổi sinh hoạt hội. Đặc biệt, Chi bộ phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Nhờ đó, đã tạo mối đoàn kết, đồng thuận trong chi bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình làm đường. Chỉ trong vòng 1 tháng triển khai, thôn vận động nhân dân hiến hơn 7.000 m2 diện tích đất vườn, đất ruộng mở rộng các tuyến đường; hoàn thành bê tông 300 m đường giao thông nông thôn.

Nói về chuyện làm đường, ông Ma Văn Sanh, thôn Cao Bình phấn khởi cho biết: “Nhà tôi cũng khó khăn, nhưng khi cán bộ họp dân, nêu chủ trương và kêu gọi bà con đóng góp, nhà tôi đã hiến hơn 500 m2 đất vườn, không đòi hỏi bồi thường. Khi con đường hoàn thiện, tương lai con cháu tôi sẽ bớt khổ hơn”.

Ngày chúng tôi đến Cao Bình đúng lúc lực lượng công an xã lên dân vận giúp thôn làm đường bê tông. Được biết, đây là đoàn thứ 2 của xã lên hỗ trợ Cao Bình. Theo đồng chí Ma Văn Tỵ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, song song với việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân phát huy nội lực hoàn thiện hạ tầng xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội về cơ sở ngày cuối tuần hỗ trợ thôn xây dựng nông thôn mới. Nói xong, anh xòe hai bàn tay phồng rộp, đỏ ửng, cười bảo: “Sáng nay đảo vữa đấy! Cán bộ xuống thôn dân vận là phải làm, không được chơi đâu”. 

Mặt trời khuất núi. Từ đèo Tham Và nhìn lại, chúng tôi thấy cán bộ và nhân dân Cao Bình vẫn đang tất bật hoàn thiện tuyến đường còn dở dang. Xen lẫn giữa bụi xi măng là tiếng cười rộn rã, âm vang một góc trời. Câu chuyện vượt khó bê tông hóa đường giao thông ở Cao Bình đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đặc biệt là công tác dân vận trong quần chúng nhân dân để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phóng sự: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục