Đảng viên đi đầu - nông thôn mới thực chất

- Nếu ai đã từng đến Sơn Nam (Sơn Dương) cách đây khoảng 5 năm về trước mới cảm nhận rõ sức bật mạnh mẽ của mảnh đất này từ phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Những con đường bê tông thênh thang dẫn chúng tôi đến những ngôi nhà xây cao tầng khang trang, bề thế của người nông dân. Đời sống của người dân nơi đây thực sự đi lên từ phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó phải kể đến vai trò đầu tàu của đảng viên.

Nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lê Văn Hà chia sẻ, trong suốt quá trình thực hiện Chương trình nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là cần phát huy vai trò đi đầu và nòng cốt của đảng viên. Từ đó khơi lên sức mạnh của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận để Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, đời sống nhân dân thực sự được nâng lên. Đồng chí Hứa Văn Lập, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ao Xanh dáng người mảnh khảnh nhưng rắn rỏi. Vợ đi làm ăn xa, một mình anh Lập vừa cáng đáng việc nhà, con cái lại kinh doanh, buôn bán đại gia súc và việc đồng áng. Anh bảo: “Lúc nào bà con cũng nhìn vào mình vì mình là đảng viên. Nên phải gương mẫu trong lao động. Nhà mình có điều kiện về kinh tế thì mới giúp dân được. Mình mà nghèo nói ai nghe”. Hộ gia đình Bí thư Chi bộ Lập cũng là hộ đi đầu trong chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Ngôi nhà xây khang trang của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ao Xanh Hứa Văn Lập.

Noi theo gương lao động sản xuất giỏi của người Bí thư Chi bộ Hứa Văn Lập, nhiều hộ ở Ao Xanh đã tích cực phát triển kinh doanh, chăn nuôi, quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Nếu như trước đây, Ao Xanh chỉ có gần 60% hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt chuẩn thì đến nay đã có trên 80% hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt chuẩn, 100% hộ gia đình đảng viên có công trình vệ sinh đạt chuẩn, 95% hộ gia đình có nhà xây kiên cố. Hộ gia đình đảng viên Nguyễn Văn Duyên luôn đi đầu trong các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng của thôn. Từ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình ông Duyên có thu nhập khá. Mỗi khi thôn, xã phát động ủng hộ xây dựng nông thôn mới, gia đình ông luôn chấp hành trước. Ông Duyên cho biết: “Khi đời sống của gia đình mình khá giả thì mình phải giúp đỡ bà con có cuộc sống tốt hơn. Đó là tâm nguyện của tôi”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lê Văn Hà, đến nay, xã đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận. Chính từ tinh thần “đảng viên nêu gương trong việc khó”, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Sơn Nam về đích đúng kế hoạch. Hạ tầng nông thôn nơi đây ngày càng được đầu tư đồng bộ từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sức dân. Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hóa đạt trên 70%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 2,62%. Nếu như năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 37,5 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2021 đã nâng lên 45 triệu đồng/người/năm.

Cây cầu tràn thôn Đồng Cháy đi thôn Cao Đá, xã Sơn Nam vừa đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 do Nhà nước đầu tư,
đảng viên và nhân dân thôn Đồng Cháy hiến đất.

Căng tràn nhiệt huyết

Đảng viên Đỗ Thái Phong, Chi bộ thôn Đồng Cháy tuy đã trên 70 tuổi nhưng vẫn hăng say lao động, căng tràn nhiệt huyết và cống hiến cho thôn, xã trong Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông là một trong hai đảng viên ở Đồng Cháy hiến nhiều đất nhất cho Nhà nước làm cầu tràn qua suối nối từ Cầu Cháy đi thôn Cao Đá. Là người dân của thôn Đồng Cháy nhưng mỗi khi có dịp ngồi trò chuyện với người nông dân ở thôn Cao Đá, đảng viên Phong nhận thấy nỗi khổ của người nông dân thôn kế bên bị thương lái ép giá nông sản khi ô tô tải chở hàng hóa không vào đến tận nơi thu mua được do không có đường giao thông đi lại thuận lợi. Vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương đầu tư làm cầu tràn bắc qua suối nối liền từ thôn Đồng Cháy đi thôn Cao Đá, đảng viên Phong không chút do dự hiến 400m2 đất và 108 cây bạch đàn đã 5 năm tuổi để Nhà nước làm cầu tràn. Ông Phong nói: “Người nông dân vất vả lắm mới nuôi được con lợn, con gà đến lúc bán chẳng được bao nhiêu. Vì muốn vào đến Cầu Đá thu mua, thương lái phải đi qua cầu treo. Mà cầu treo thì xe trọng tải lớn không đi qua được. Nhân dân muốn bán được nông sản phải chở xe máy ra tận đầu thôn, qua cầu treo để bán mà giá cả thấp. Thấy nhân dân mong mỏi có cầu tràn nên tôi quyết định hiến đất, hiến bạch đàn để làm cầu tràn”. Sau việc làm của đảng viên Phong đã có 3 hộ khác trong thôn hiến đất để làm cầu tràn mà thôn, xã không phải tốn nhiều công sức đi vận động. Được biết, cả hai lần Nhà nước làm cầu ở Đồng Cháy thì cả hai lần, đảng viên Phong đều hiến đất.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục