Gửi hồn quê qua chiếc nón Tày

- Không ai biết chiếc nón lá của người Tày có từ bao giờ, chỉ biết rằng nón đã gắn bó với đời sống đồng bào Tày ở thôn Rõm, xã Hùng Mỹ, Chiêm Hóa từ đời này qua đời khác. Để rồi, bất cứ ai, đi đâu, làm gì đều nhớ về chiếc nón lá như một vật thân thương, gần gũi với những ký ức đẹp về quê hương.

Chiếc nón lá là niềm tự hào của đồng bào Tày.

Kỷ vật trao duyên

Trong ký ức của bà Ma Thị Bình, thôn Rõm, xã Hùng Mỹ, chiếc nón lá gắn liền với kỷ niệm đẹp thời son trẻ. Bà nhớ, ngày lấy chồng, ngoài những lễ vật như chăn, màn, chiếu... thì chiếc nón là vật không thể thiếu. Trong trang phục cô gái Tày, bà thấy mình như duyên dáng hơn, dịu dàng hơn với chiếc nón lá. Bà giãi bày, chiếc nón, không chỉ che mưa, che nắng mà còn hàm ý rằng, dù cuộc sống gia đình sau này có gặp nắng mưa hay bão bùng thì người con gái Tày vẫn luôn nhớ bổn phận người vợ, người mẹ, là chăm lo cho gia đình nhà chồng.

Theo lời của bà Bình, chiếc nón lá giản dị ấy còn được đồng bào Tày thiêng hóa. Trong lễ cưới, chiếc nón sẽ đặt trước bàn thờ gia tiên cùng với một số lễ vật. Thầy cúng phải thắp hương làm lễ rồi thực hiện các bài khấn, sau đó đội chiếc nón cho cô dâu. Chiếc nón ấy như mái nhà, che chở cuộc đời cô gái từ giây phút này và mãi về sau. Bởi thế, trên đường về nhà chồng, cô dâu cũng phải thực hiện những điều kiêng kỵ như không được bỏ nón ra khỏi đầu, không được sửa nón (dù nón có nghiêng). Mẹ chồng mới là người được tháo chiếc nón trên đầu cô dâu. Theo quan niệm của người Tày, chiếc nón là vật trao duyên của người con gái với người con trai, thay cho lời nhắn rằng sẽ chăm sóc chàng trai đến “đầu bạc, răng long”, sẽ chăm lo, vun vén cho gia đình nhà chồng luôn êm ấm.


Chiếc nón Tày một thời là kỷ vật trao duyên cho người con gái trước khi về nhà chồng.

Nét duyên con gái

Để làm nên cốt cách, thần thái đúng chất cho phụ nữ Tày, cùng với bộ trang phục truyền thống mang màu chàm nền nã là chiếc nón lá tao nhã, nhẹ nhàng và quyến rũ. Chiếc nón không chỉ tôn lên vẻ yêu kiều, quyến rũ của phụ nữ Tày mà còn chứng tỏ sự khéo léo, chịu thương, chịu khó của sơn nữ vùng cao. 

Dẫn chúng tôi thăm đồi cọ ngút ngàn, bà Ma Thị Nhung, thôn Rõm chia sẻ, tuổi thơ của bà tắm mát trong rừng cọ với những câu hát ăn sâu vào tiềm thức: Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi. Lớn lên chút, bà theo ông, bà, bố mẹ đi lấy lá cọ về lợp mái nhà. Và rồi, tự tay đan những chiếc nón để che mưa, che nắng. Ngày ấy trong thôn vui lắm, không khí đan nón rộn ràng. Dù không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu và cảm nhận rằng, biết đan nón là đã thành thiếu nữ và ai đan nón giỏi sẽ được nhiều chàng trai để ý.

Bởi việc đan nón đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn lá. Lá cọ được chọn làm nón phải là lá bánh tẻ, không được già quá cũng không được non quá. Như vậy nón làm ra mới có độ dai và trắng cần thiết. Lá càng trắng nón càng đẹp. Lá lấy về sẽ được hơ qua lửa và đem phơi sương 2-3 đêm cho lá khô và phai hết màu xanh.

Bà Ma Thị Bình là một trong số ít người biết đan nón lá ở thôn Rõm, xã Hùng Mỹ.

Khác với chiếc nón lá của người Kinh, nón lá của người Tày có hai phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ 2-3 tàu lá khô. Phần bên trong, lấy cây tế trên rừng đã bóc vỏ về phơi khô, sau đó đan cầu kỳ thành các mắt hình lục giác đều. Người phụ nữ nào đảm đang, khéo léo là đan được các mắt hình lục giác vừa nhỏ vừa đều để cho chiếc nón vừa bền, vừa đẹp. Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột (hoặc tre) và buộc chặt bằng lạt giang. Chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày đặc biệt ở chỗ có hai vành nón, vành trong nhỏ hơn, nằm ở khoảng ba phần tư chiếc nón. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

Cầm chiếc nón lá vừa đan xong, bà Nhung bảo, nhìn thấy nón lá là thấy cả một bầu trời quê hương. Đó là những vật liệu thân thuộc, gần gũi như lá cọ, là tre, là guột... Đó còn là chiếc nón gắn bó với các bà, các mẹ mỗi khi lên nương, ra đồng, đi chợ... Rồi gắn cả với thời thiếu nữ nhẹ nhàng, e ấp với chiếc nón lá làm duyên. Nói đến đây, giọng bà trầm xuống: Tiếc rằng, giờ người biết đan nón cũng đã U60, 70 và hơn thế. Còn lớp trẻ hầu như không biết đan, nếu có cũng không còn đam mê nữa.

Chị Ma Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ trăn trở, đan nón là nghề truyền thống của dân tộc Tày, vì vậy bảo tồn nghề đan nón lá cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Hội vận động chị em duy trì nghề truyền thống, trước là để tăng thu nhập, sau là để hướng tới khôi phục nghề truyền thống. Có như vậy, bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày mới được gìn giữ, phát triển, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Tày nơi đây.

Phóng sự: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục