Khá giả nhờ nuôi ốc bươu đen

- Ốc bươu đen hay bà con vẫn thường gọi là con ốc nhồi, là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, xã Trung Môn (Yên Sơn) đang có phong trào nuôi ốc bươu đen mạnh nhất tỉnh. Trong đó tiêu biểu phải kể đến gia đình anh Phạm Văn Diễn, thôn 1, với 6 ao, tổng diện tích gần 1 ha nuôi ốc bươu đen.

Trở lại làm nghề nông 

Ở thôn 1, xã Trung Môn ai cũng biết nhà anh Phạm Văn Diễn có diện tích đất rộng. Tuy nhiên cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì. Bởi vườn tạp, ao thả mấy con cá rô phi, mè, trôi cho kinh tế thấp. Làm quần quật cả năm trời mà gia đình anh cũng chẳng dư giả gì. Nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, anh Diễn tự nhủ “mình khỏe mạnh như này mà thiếu ăn thì không được”. Anh bàn với vợ chuyển nhà ra phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) để buôn bán vật liệu xây dựng. Qua gần chục năm lăn lộn với nghề, nhưng phải cạnh tranh khốc liệt, việc buôn bán cũng không đem lại kết quả khả quan. Nhiều đống gạch hoa vừa lấy xong đã mất mốt, tiền ế hàng, người dân nợ, tính ra cũng chẳng được bao nhiêu.

Anh Phạm Văn Diễn bên trang trại nuôi ốc bươu đen của mình ở thôn 1, xã Trung Môn.

Chán nghề bán vật liệu xây dựng, nhờ biết lái xe tải, anh Diễn chuyển sang lái xe thuê. Rồi anh thi nâng cấp bằng để lái xe công - ten - nơ, bon bon trên những cung đường. Công việc cũng khá ổn, tuy đi đường dài khá vất vả, nhiều nguy hiểm. Rồi bất ngờ dịch Covid-19 ập xuống, mỗi tháng anh chỉ đi được vài chuyến, thu nhập của gia đình tụt giảm. Công việc gần như lại thất bại một lần nữa, anh quay lại ngôi nhà cũ bỏ hoang một thời ở thôn 1 để chăn nuôi, trồng trọt sau một thời gian dài bôn ba. Quay lại với nghề nông, anh Diễn nhận thấy phong trào nuôi ốc bươu đen ở đây đang phát triển. Trang trại của anh cũng rất phù hợp với mô hình này.
Anh Diễn bàn với vợ con, trồng cây, đắp ao, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc nuôi ốc bươu đen. Anh tìm đến học hỏi mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Phạm Văn Chung, là người anh em họ hàng đã khá thành công trong việc nuôi ốc bươu đen của xã. Được anh Chung cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi, qua một thời gian chăm chỉ, tâm huyết thực hành nuôi, đến nay anh Diễn đã làm chủ quy trình nuôi. Giờ đây, anh Diễn đã vươn lên là người có quy mô nuôi ốc bươu đen đứng đầu địa phương. Vừa bán ốc giống, ốc thịt, anh Diễn còn trực tiếp hướng dẫn khoa học kỹ thuật tới người nuôi. Anh nghĩ nuôi làm sao con ốc bươu đen phải đạt hiệu quả kinh tế cao. Nghĩ lại những năm tháng lang lang, anh Diễn tiếc nuối “giá như mình quay lại làm nghề nông sớm hơn nữa, chắc giờ mình giàu rồi”. Theo anh, làm nghề nông thời nay mà biết nắm bắt thời cơ, khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm thì rất ổn định, bền vững và thành công.

Gặt hái quả ngọt

Giờ anh Diễn chỉ tập trung đầu tư vào 6 chiếc ao nuôi ốc bươu đen. Anh cho biết, nuôi ốc bươu đen điều quan trọng nhất phải có nguồn nước sạch. Nếu ao nước bẩn, nước tù đọng ốc dễ bị bệnh chết. Hệ thống ao nhà anh lấy nước từ suối Cầu Giang, chủ động được về nguồn nước. Hơn nữa trước khi thả ốc bươu giống gia chủ phải dọn ao, rắc vôi bột, bắt diệt những loài ăn ốc như như cá trắm đen, ba ba. Tùy từng ao nuôi ốc thịt, sinh sản hay ốc giống mà để độ cao nước phù hợp. Có ao 0,5 m nước, 1 m, 1,5 m, nuôi ốc không cần ao có mức nước quá sâu. Tuy nhiên, những ao có mức nước nông nếu trời nắng, nước nhanh nóng. Để hạn chế điều này, bà con nông dân có thể làm lưới đen che bớt nắng bên trên, mà ao vẫn thoáng mát. Đặc tính của ốc là không phân bố đều, chúng thường tập trung ở một số khu vực nhất định trong ao. Cũng vì lý do đó, mà nên tạo ra địa hình có độ nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống. Mục đích chính là để dễ dàng theo dõi cũng như chăm sóc ốc bươu đen hiệu quả.

Anh Diễn thường mua hàng tấn bí đỏ về để trong nhà làm thức ăn cho ốc bươu đen. Anh chia sẻ, thức ăn cho ốc bươu đen là các loại rau xanh, bèo, dong suối, ngũ cốc, bí đỏ. Thức ăn xanh để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám dưới mặt lá để ăn. Mỗi ngày, anh chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 - 1% khối lượng ốc trong ao. Nếu lượng thức ăn dư thừa, ốc không ăn hết, dễ gây ô nhiễm nguồn nước ao. Sau khi thả ốc giống đến gần 2 tháng tuổi không cần thay nước. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần mới phải thay nước 1 lần, mỗi lần thay 3/4 lượng nước trong ao. Ốc bươu đen nuôi từ 4 - 5 tháng đạt trọng lượng thương phẩm 30 - 35 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. 

Kiểm tra chất lượng trứng ốc.

Hiện ốc bươu thịt anh Diễn đang bán 80 - 100 nghìn đồng/kg, ốc bươu bố mẹ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Ốc bươu giống bằng hạt đỗ tương giá 250 đồng/con, do dịch Covid-19, giá giảm xuống còn 160 đồng/con. Năm 2020 anh Diễn thu trên 100 triệu tiền bán ốc bố mẹ, ốc thịt, đặc biệt 100 vạn con ốc giống. Một nhà hàng ốc dưới Nam Định mới đây đặt anh 1 tấn ốc thịt, nhưng do dịch Covid-19 nên anh chưa vận chuyển được hàng. Anh cho biết, ốc thịt rất dễ bán, ngoài bán cho nhà hàng, khách sạn, một số cơ sở chế biến ốc bươu nhồi ống lam, tạo hướng đi mới cho con ốc ngay tại địa phương. Nhờ có nguồn thu mua ổn định nên người nuôi ốc khá yên tâm. Phong trào nuôi ốc bươu đen giờ đang lan rộng ra các huyện, thành phố trong tỉnh, tận dụng được mặt nước ao, hồ, suối, ruộng lúa, tạo thu nhập cho bà con.

Bên cạnh mô hình nuôi ốc bươu đen hàng hóa quy mô, anh Diễn còn đầu tư trồng 12 ha keo. Anh bảo “Tôi giờ lại thích làm nông dân. Vừa được hít thở không khí trong lành, cuộc sống thư thái, chủ động trong mọi chuyện”. Cậu con trai đang học Đại học Công nghiệp Hà Nội giờ cũng là một trợ thủ đắc lực của anh Diễn trong việc phát triển nuôi ốc bươu đen và trồng cây keo lấy gỗ.

Ông Phạm Minh Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Môn cho biết, địa phương có hơn 35 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Diễn ở thôn 1 là một trong những mô hình được Hội đánh giá cao, bởi anh Diễn biết tận dụng nguồn nước sạch một cách hợp lý, khoa học. Hội sẽ hướng dẫn để bà con trong xã học tập kinh nghiệm mô hình này khi muốn chuyển đổi sang nuôi ốc bươu đen cho giá trị kinh tế cao.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục