Những người “lái đò” thầm lặng

- “Có một nghề từ sáng đến chiều tà/Dạy dỗ học trò miệt mài không nghỉ” hay “Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy”... những lời thơ đã phần nào nói lên sự vất vả, kiên trì của nghề dạy học. Đối với mỗi thầy, cô giáo khi gắn bó với nghề là đầy ắp những kỷ niệm và cả không ít những sóng gió mà khi kể ra nhiều người phải rơi nước mắt...

Vượt qua nỗi đau để dạy học

Thử một ngày chúng ta đón nhận được một tin “trời giáng” đó là căn bệnh ung thư quái ác thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao, liệu chúng ta có đủ tinh thần để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này không? Ấy vậy mà bao năm qua, cô giáo Trần Thị Kim Long, trường Mầm non Vĩnh Lợi (Sơn Dương) đã nỗ lực không ngừng để vừa chống chọi với nỗi đau bệnh tật vừa làm tốt nhiệm vụ nuôi dạy trẻ, cô là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Cô Long kể lại, 5 năm trước lúc đi khám, cô phát hiện bị bệnh ung thư. Cô rất lo sợ, lo cho mình thì ít mà lo cho gia đình, sự nghiệp thì nhiều bởi nếu mình có mệnh hệ gì thì không biết các con sẽ ra sao, còn bọn trẻ trên lớp cô đang phụ trách nữa... Cô Long bảo, chính niềm vui từ những giờ dạy trẻ trên lớp đã giúp cô quên đi bệnh tật của mình để vượt qua những tháng ngày nghiệt ngã nhất của cuộc đời.

Cô giáo Trần Thị Kim Long, trường Mầm non Vĩnh Lợi (Sơn Dương) vượt qua nỗi đau bệnh tật để hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi dạy trẻ.

Đến nay đã gắn bó với sự nghiệp “trồng người” được hơn 20 năm, hàng ngày cô Long vẫn lặng lẽ vượt chặng đường hơn 20 km từ nhà để tới trường dạy học. Ngày trước chưa có cây cầu An Hòa, cô phải dậy từ sáng sớm đề kịp đò sang sông đến lớp. Dù bệnh tật hành hạ, dù hoàn cảnh khó khăn song với nghị lực phi thường, cô Long vẫn sắp xếp để vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn vừa chữa bệnh. Những lớp học có cô như được truyền cảm hứng, trẻ em vui vẻ, phụ huynh yên tâm. Để những giờ dạy trẻ hấp dẫn cô cố gắng làm thêm đồ dùng, đồ chơi cho các con, cùng với đó là phong thái gần gũi, tự tin giúp các trẻ cảm thấy tình thương ấm áp, ít ai biết cơn bạo bệnh vẫn hành hạ cô từng ngày.

Cô giáo Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Vĩnh Lợi cho biết, với vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn của nhà trường, cô Long đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh. Cô Long còn là tấm gương sáng về việc tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, với đồng nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Trong đợt kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Long được đề nghị để Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Người mẹ của học sinh dân tộc thiểu số

Công tác ở ngôi trường dành cho học sinh dân tộc trên địa bàn tỉnh là một điều hết sức đặc thù bởi giáo viên phải coi mái trường như là nhà, các học sinh như là con của mình để chăm sóc, dạy dỗ các em nên người. Suốt hơn 24 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Dung, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đã làm tốt hơn thế. Cô còn được các học sinh coi như người mẹ thứ 2 của mình, trong cuộc đời dạy học của cô, biết bao lứa học trò đã trưởng thành từ “tình thương của mẹ”. Cô Dung bảo, do là học sinh ở nội trú nên giáo viên thường xuyên phải có mặt ở trường, sau giờ dạy trên lớp là tổ chức ôn tập, trực đêm ở ký túc xá... Có những em mới xuống trường nhập học nhớ nhà khóc rưng rức, những lúc ấy giáo viên phải nhẹ nhàng, gần gũi để chia sẻ, động viên các con vượt qua, giúp việc học tiến bộ hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh trò chuyện cùng các học sinh thân yêu.

Có những học sinh nhút nhát hay có hoàn cảnh khó khăn, cô Dung lặng lẽ dành một phần tiền lương mua đồ dùng học tập, hỗ trợ thêm cho các con. Chính vì tình cảm và sự gần gũi của cô đã chạm đến trái tim, giúp nhiều học sinh bày tỏ quyết tâm vươn lên trong học tập.  Em Giàng Thanh Thùy, dân tộc Mông nhà ở xã Kiến Thiết (Yên Sơn) hiện đang học lớp 12D, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: “Cô Dung giống như người mẹ của chúng em vậy, cô luôn lắng nghe và chia sẻ với bất cứ học sinh nào. Lúc nào cô cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, những giờ dạy học của cô luôn sôi nổi, hấp dẫn học sinh”.

Dạy môn Ngữ văn và tham gia vào công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường, liên tiếp trong những năm gần đây, năm nào cô Dung cũng có học sinh đoạt giải cấp tỉnh, cô nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Cô Dung bảo, đối với những giáo viên dạy trường nội trú, ngày 20-11 không có hoa và quà nhưng bù lại các thầy, cô nhận được những tình cảm, lời chúc ấm áp từ học trò. Chính sự trưởng thành của học trò mới là món quà đáng quý nhất đối với mỗi giáo viên như cô.

Không chỉ có cô Long, cô Dung, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều những tấm gương nhà giáo luôn tận tụy, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. Tiêu biểu như: thầy giáo Đặng Đàm Trọng, trường Tiểu học Yên Lâm 1 (Hàm Yên) vận động nhà hảo tâm cùng các thầy cô bắc cầu qua suối để học sinh đến trường an toàn; cô giáo Lê Thị Trường, trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) nhận đỡ đầu, nuôi học sinh mồ côi trong 3 năm học cấp 3; thầy giáo Đỗ Văn Phú, trường THCS Lương Thiện (Sơn Dương) mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, chất lượng giáo dục các bậc học, tỷ lệ học sinh khá và giỏi, học sinh đạt giải cấp quốc gia ngày càng tăng. Đặc biệt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022, điểm trung bình của học sinh đã tăng 13 bậc so với năm trước, công tác phổ cập giáo dục các bậc học được củng cố. Có được những kết quả đáng mừng trên chính là sự nỗ lực không mệt mỏi của những thầy, cô tâm huyết hết lòng vì học sinh thân yêu, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người giáo viên.

Phóng sự: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục