Tết sớm ở làng đào Vĩnh Lợi

- Xuân Quý Mão đang đến thật gần trên từng góc làng, ngõ phố. Thời điểm này, tại làng đào xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), những cành đào đang vươn mình trước gió để hấp thụ sắc xuân. Hàng nghìn gốc, cành đào đang ôm nụ, sẵn sàng tỏa hương xuân đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Ăn ngủ với đào

Trong cái lạnh dịu nhẹ, xen nắng ấm, những cánh hoa đào đua nhau khoe sắc thắm dưới bàn tay chăm bẵm khéo léo của các chủ vườn. Anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi chia sẻ: gia đình anh trồng đào được hơn 26 năm. Việc chăm đào không quá khó khăn và vất vả nhưng để đào nở hoa đúng độ thì phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, đất đai, độ ẩm và thời tiết. Những người trồng đào cần phải nắm rõ được các kỹ thuật, chọn giống, cắt tỉa, tính toán thời điểm ra hoa... Chất đất cũng rất quan trọng, đất trồng được đào thường là đất đỏ, có độ sét cao, ít chua thì mới giữ được đào tươi, dễ sống và cho hoa đẹp.

“Đó là những yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Quan trọng nhất vẫn là phụ thuộc vào “thiên thời” tức là thời tiết, bởi đó là yếu tố quyết định hoa nở sớm hay muộn, đẹp hay xấu. Năm nay, thời tiết ấm nóng kéo dài, cuối năm giá lạnh, gia đình tôi phải cung cấp thêm dinh dưỡng, tưới nước, theo dõi độ ẩm suốt ngày đêm để đào kịp bung hoa đúng dịp Tết. Người trồng đào luôn phải vừa làm, vừa trông ngóng thời tiết. Để không rơi vào cảnh “đào cười, người khóc” thì việc “ăn, ngủ” với đào khi thời tiết không thuận là chuyện hết sức bình thường” - anh Thanh nói.

Anh Nguyễn Văn Nhân (bên phải), thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi kiểm tra chất lượng cây trước khi đưa ra thị trường.

Anh Trần Văn Trinh, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi cho biết, anh đã có hơn 10 năm trong nghề trồng đào. Trồng đào là một nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người trồng. Để giữ được thế đào, cho hoa đào ra đúng vụ, ngay sau tháng Giêng, anh đã tiến hành vãi vôi, bón phân, tạo tay, uốn thế cho vụ đào mới. Cách Tết nguyên đán 2 tháng, anh thực hiện tuốt lá, cắt tỉa cho đào. Người trồng còn phải dựa vào kinh nghiệm đoán biết thời tiết để “hãm” hoặc “kích” sao cho hoa nở đúng dịp Tết.

Chỉ cần đào nở sớm hoặc muộn nửa tháng đến 1 tháng là công sức cả năm trời có thể “bỏ sông, bỏ bể”. Một cây đào trưởng thành mất thời gian chăm từ 2 năm mới có thể cho ra hoa, bán ra thị trường, chất lượng đảm bảo. Năm nay, gia đình anh Trinh trồng hơn 200 gốc đào phai để phục vụ thị trường Tết. Hiện đào đã đâm nụ và sẽ cho ra hoa đúng dịp.

Theo người dân trồng đào, đào Vĩnh Lợi chủ yếu là giống đào bích, đào phai cánh kép. Đây là loại đào vườn, cổ có từ rất lâu đời. Khác với đào cánh đơn chỉ có 5 cánh, đào cánh kép thường có từ 20 - 28 cánh.  Có những bông lên tới hơn 30 cánh, xếp thành các lớp, đan xen vào nhau tạo thành một màu hồng rực rỡ. Đặc biệt, đào phai Vĩnh Lợi có vẻ đẹp rất riêng khi mới nở hoa đào có màu hồng sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa có màu hồng phớt nhẹ. Đào này không nở rộ trong một thời điểm mà nở xen kẽ nối tiếp kéo dài cả tháng mùa xuân. Do đó, đào Vĩnh Lợi rất được dân sành chơi ưa chuộng, đặt mua từ sớm.

Nhưng để có cây đào ưng ý chơi trong ngày Tết tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi người trồng đào phải rất công phu, tỉ mỉ chăm cây, tạo dáng. Ngay cả những hộ trồng đào có tiếng cũng không dám nói mạnh. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, khi tiết trời bắt đầu thay đổi, việc nông dân “ăn, ngủ” với đào là chuyện rất bình thường, để có thể đưa ra thị trường những cành đào chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người chơi.

Mang hương xuân đi khắp mọi miền

Tìm về với làng đào Vĩnh Lợi, nơi được xem là “thủ phủ” trồng đào từ vài chục năm nay ở huyện Sơn Dương. Nơi đây có hàng nghìn gốc đào và các loại đào phục vụ người dân chơi Tết. Những năm gần đây, từ “thủ phủ” trồng đào này, đã được người dân Tuyên Quang và các tỉnh lân cận ưa chuộng.

Dẫn chúng tôi tới thăm những vườn trồng đào của người dân trong xã, đồng chí Tạ Xuân Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi chia sẻ: trước đây người dân chỉ trồng đào rải rác trong các sân vườn để làm cảnh, nhưng vài chục năm trở lại đây, xu hướng chơi đào được nhiều người ưa chuộng.

Người trồng đào ở làng đào Vĩnh Lợi chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2023 từ nhiều ngày trước.

Đào vườn Vĩnh Lợi được trồng tự nhiên bỗng “lên ngôi”. Thương lái, người chơi đào ưa chuộng bởi đào của Vĩnh Lợi có sức sống mạnh, bộ rễ khỏe và cả cách uốn dáng, tạo bộ đế riêng biệt, hiếm có của những người trồng đào. Xã hiện có hàng trăm hộ trồng đào, diện tích hơn 5 ha, tập trung ở thôn Gò Hu, Cầu Cháy, Hồ Sen. Nghề trồng đào đã ngấm sâu vào máu thịt của nhiều người dân nơi đây. Vĩnh Lợi đã trở thành làng trồng hoa đào được nhiều người biết đến. Từ trồng đào nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Nếu so sánh về lịch sử thì làng đào Vĩnh Lợi khó so với các làng đào nổi tiếng như Nông Tiến (TP Tuyên Quang) nhưng hiện tại, sức hút của làng đào Vĩnh Lợi không kém phần, thậm chí là vượt trội” - anh Nguyễn Văn Nhân, thôn Cầu Cháy cho biết. Minh chứng cho điều này, anh khẳng định, trước đây, đa số đào chỉ phục vụ thị trường trong xã và huyện thì nay, thương lái cả tỉnh hay thậm chí là các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nội… cũng đến tìm mua. Người gần thì đến xem để mua trực tiếp, người ở xa thì bà con quay clip, thỏa thuận mua bán qua mạng trước khi chuyển đào đưa đi các tỉnh, thành. Năm nào cũng vậy, đến 25-12 (âm lịch) đa số các hộ trồng đào trong xã đều không còn đào để bán.  

Khu vườn trồng đào của anh Nhân rộng khoảng 4 sào với đủ các cành, gốc đào, từ bình dân vài ba trăm nghìn đến vài triệu đồng/gốc. Năm 2021, anh Nhân bán hơn 350 cành, gốc đào, thu về gần 80 triệu đồng. Năm nay, có nhiều thương lái điện thoại, đến đặt cọc được hơn 1/2 số cây trong vườn. Dự kiến đến 15-12 (âm lịch) gia đình anh sẽ chuyển số đào này đến khách hàng, anh Nhân phấn khởi cho biết. 

Theo đánh giá của nhiều chủ vườn, năm nay thời tiết có nhiều thuận lợi cho việc trồng đào và đào sẽ ra hoa đúng dịp. Chất lượng đào năm nay không đẹp như năm trước nhưng nhiều kiểu dáng, đáp ứng được nhu cầu của người chơi. Thương lái ở các nơi đã bắt đầu đến các vườn đào để tham quan, đặt mua đào về bán dịp Tết. Giá đào năm nay sẽ dao động từ 100.000 - 500.000đ/cành, những gốc cổ thụ, dáng đẹp, thế uốn lượn giá từ 1,5 - 5 triệu đồng/gốc.

Theo ông Tạ Xuân Viễn, với hơn 15.000 cành, gốc đào, ước tính giá trị đào toàn xã hiện tại khoảng gần 6 tỷ đồng. Chỉ riêng năm vừa qua, các hộ trồng đào xuất bán ra thị trường trên 13.000 cành, gốc, thu về hơn 5 tỷ đồng. Cây đào không chỉ giúp vùng quê nghèo trở nên trù phú, nâng cao đời sống người dân mà còn giúp tiếng tăm Vĩnh Lợi vang xa cả nước.
Một mùa Xuân mới đang đến rất gần, mong rằng vụ đào năm nay của người dân Vĩnh Lợi sẽ gặp nhiều thuận lợi, góp phần mang sắc hoa tô đẹp mùa Xuân, đem niềm vui đến với mọi nhà.

Phóng sự: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục