Xuân này ở Mỹ Hoa

- Trong không khí se lạnh của những ngày đầu năm, Mỹ Hoa như ấm cúng hơn trong những nếp nhà khang trang. Sau nhiều năm định cư nơi ở mới, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây đang từng ngày đổi thay, vui hơn hết là họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Đường về thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) hôm nay.

Đổi cách nghĩ, nếp làm

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Tú nghe tin có nhà báo vào thăm cứ ra trông vào ngóng suốt cả buổi sáng. Anh sốt ruột, là bởi muốn khoe những cái mới ở Mỹ Hoa sau cả năm làm việc chăm chỉ.

Những ngôi nhà mang đậm nét văn hóa người Mông có nhiều cách tân là minh chứng cho sự năng động và tân tiến trong suy nghĩ của người dân nơi đây. Năm 2004, thực hiện chương trình tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, 45 hộ đồng bào dân tộc Mông xã Thúy Loa (Na Hang), về định cư tại xã Mỹ Bằng với tên gọi là Mỹ Hoa. Về nơi ở mới, bà con không còn sống cảnh du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy nữa, chuyển sang chủ động làm kinh tế bằng hình thức trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, làm công nhân… để có cái ăn, cái mặc, nuôi các con học hành nên người.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Dần, cũng là lúc anh và mọi người trong gia đình đang tranh thủ hái lứa chè xuân trên những luống chè uốn lượn đẹp mắt. Trò chuyện với chúng tôi anh hào hứng chia sẻ, từ khi mới về đây gia đình đã trồng gần 1 ha chè PH1, nhờ được tham gia các lớp tập huấn trồng chè do Hội Nông dân xã tổ chức anh đã biết chăm sóc đúng quy trình quỹ kỹ thuật, năng suất chè búp tươi đạt 12 tấn/ha/năm, giá bán từ 4-6 nghìn đồng/1kg. Rồi anh kết hợp làm ruộng, chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập 70 triệu đồng. Lúc nông nhàn anh đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, mua sắm được các tiện nghi đắt tiền như ti vi, xe máy phục vụ nhu cầu của gia đình.

Trong ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng anh Lý A Cậu tự hào cho biết, giờ gia đình đã có cuộc sống ấm no, ổn định. Gia đình anh đang tập trung vào phát triển chăn nuôi, trồng chè và làm ruộng. Hiện nay, anh đang nuôi 8 con bò sinh sản và thịt, trồng 10 sào chè, 2 sào ruộng, nhà có của ăn của để, mua sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Gia đình anh Lý A Cậu, thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập

Khác với mô hình phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng trọt, chị Tráng Thị Mầu nhờ đôi bàn tay khéo léo và tình yêu với trang phục truyền thống đã mở một cửa hiệu may trang phục của đồng bào dân tộc Mông. Chị nói, thông thường một bộ trang phục, cắt may cầu kỳ nhiều họa tiết, đính hạt, chị phải mất ít nhất 3 ngày hoàn thiện, những bộ trang phục mặc sinh hoạt hàng ngày chị có thể may được 2 -3 bộ mỗi ngày. Mỗi bộ có giá từ 400 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Bình quân một năm từ nghề may trang phục đem lại cho gia định thu nhập đến vài chục triệu đồng. Chị cũng kết hợp mở cửa hàng buôn bán tạp hóa phục vụ bà con trong thôn.

Thôn hiện có trên 100 người lao động đang làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh với mức lương thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/ người/ tháng. Điều đáng mừng là cách tư duy làm kinh tế của đồng bào Mông ở Mỹ Hoa đã có sự thay đổi, họ không còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đổi lại, người dân biết chủ động phát triển kinh tế, làm giàu theo nhiều hình thức.

Gia đình chị Tráng Thị Mầu, thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) may trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu

Anh Tú nói, để Mỹ Hoa thay đổi như hôm nay phải kể đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân, thay đổi diện mạo theo hướng tích cực.

Thôn có 79 hộ với 490 nhân khẩu, 100% hộ gia đình trong thôn đều trồng chè, hộ nhiều thì 1-2 ha, ít thì 3 sào. Hiện thôn có hơn 40 ha chè, bình quân mỗi năm sản lượng chè búp tươi đạt trên 1.400 tấn, cung cấp nguyên liệu cho 3 công ty chè và 15 xưởng chế biến chè trên địa bàn xã, tổng doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng. Nhiều hộ nhờ trồng chè mà kinh tế khá giả như anh Hoàng A Phà, ông Lý Văn Vừ, Lý A Hừ… Người dân trong thôn cũng tận dụng diện tích trồng cây vụ 3 đề trồng ngô chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Toàn thôn có 100 con dê, 80 con trâu, bò và trên 2.000 con gia cầm. Hiện thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, 100% hộ dân đều có tivi, xe máy, sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch.

 Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, chi bộ thôn đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.Từ đó, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất mở đường làng, ngõ xóm. Thôn huy động bà con làm 1 km đường bê tông nông thôn, xây dựng công trình điện thắp sáng đường quê, xây dựng nhà văn hóa, tường rào, công trình vệ sinh với tổng trị giá trên 120 triệu đồng, trên 100 ngày công lao động. Thôn có đội bóng đá nam, văn nghệ để tham gia giao lưu với các thôn, xã bên trong dịp tết lễ tết. 

 Bà con thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đang thu hái chè xuân.

Đồng chí Lý Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào tái định cư thôn Mỹ Hoa đã sớm ổn định cuộc sống trên quê hương mới. Cùng với đó, người dân luôn tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 2023, xã cũng chọn thôn làm điểm để xây dựng thôn mới kiểu mẫu. 

Chứng kiến sự thay da đổi thịt của thôn, cụ Lý Thị Mỉ, 101 tuổi nói, hơn 19 năm sống trên quê hương mới, cuộc sống của người dân không còn đói nghèo, trẻ em được cắp sách đến trường. Dân bản ai cũng tin theo Đảng và Nhà nước. Cụ sống vui, sống khỏe để chứng kiến quê hương Mỹ Hoa ngày càng giàu đẹp.

Chia tay bản Mông Mỹ Hoa trong tiết trời vẫn còn se se lạnh của những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc như đang lan tỏa khắp bản làng, ngõ xóm xua đi cái lạnh vẫn còn vương vấn. Mỹ Hoa bước vào năm mới với niềm vui và  kỳ vọng mới. 

Phóng sự: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục