Di tích quốc gia đặc biệt thắng cảnh Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An (Phú Yên).
Trong những năm qua, Phú Yên có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, nhiều dự án du lịch ven biển đã và đang được triển khai, mở ra nhiều triển vọng để đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Những chuyển biến tích cực
Năm 2022 lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng trưởng vượt bậc với 2,2 triệu lượt khách, đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 491,4% (gấp 5,9 lần) so cùng kỳ năm 2021 và tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 620,2% (gấp 7,2 lần) so cùng kỳ năm 2021 và tăng 42,2% so cùng kỳ năm 2019.
Từ đầu năm 2023, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng khách du lịch vẫn đổ dồn về Phú Yên với nhịp độ tăng cao, gấp nhiều lần so cùng kỳ năm trước. Cụ thể tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 494.500 lượt, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 2.430 lượt, gấp 3,8 lần. Tổng lượt khách lưu trú đạt 306.502 lượt, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1.847 lượt, gấp 4,2 lần. Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 674,9 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ; trong đó doanh thu lưu trú đạt 95,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần.
Khách đến Phú Yên chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên. Đây là những tín hiệu tốt của du lịch Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Khách đến Phú Yên chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên. Đây là những tín hiệu tốt của du lịch Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Có được kết quả nêu trên, thời gian qua Phú Yên đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch; từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng và các dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện...; tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách, kích cầu, phát triển du lịch; góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo hiệu ứng trong công tác quảng bá hình ảnh du lịch Phú Yên đến với du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, riêng ngành du lịch Phú Yên đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; liên kết, hợp tác với các địa phương phát triển sản phẩm du lịch: Ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch với năm tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2027; phối hợp các địa phương triển khai chương trình “Tour du lịch một hành trình ba điểm đến Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa, phục vụ thị trường khách du lịch Đông Bắc Á”; nâng cấp và thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch Phú Yên; triển khai xây dựng website Liên minh kích cầu du lịch khu vực miền trung-Tây Nguyên của bốn tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch…
Với những nỗ lực, cố gắng, năm 2022, Du lịch Phú Yên được xếp thứ ba trong tốp 10 từ khóa về du lịch có xu hướng thịnh hành nhất trên công cụ tìm kiếm Google tại Việt Nam; sản phẩm du lịch có bước phát triển về loại hình và chất lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng đầu tư phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ, đến nay toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số buồng lưu trú khoảng 6.250 buồng, trong đó có khoảng 700 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.
Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động và UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Riêng trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt hơn 14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 15-20%/năm; doanh thu du lịch tăng hơn 14%/năm, công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 61% năm, số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng bình quân 4%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên, doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng.
Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững, Phú Yên xác định thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư du lịch ven biển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, do đó cả hệ thống chính trị đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, đến nay Phú Yên có 36 dự án du lịch ven biển được nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký 42.811 tỷ đồng; đã có nhiều dự án được đầu tư một phần hoặc toàn bộ dự án đưa vào hoạt động, khai thác, như: Zannier Hotels Bãi San Hô, Spotlight Resort, Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Việt Beach, Khu du lịch sinh thái Sao Mai, Khối khách sạn 18 tầng thuộc dự án Xây dựng công trình hỗn hợp tại số 77-79 Nguyễn Du,... qua đó, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc thu hút du khách đến với tỉnh Phú Yên.
Một giải pháp quan trọng nữa nhằm thu hút đầu tư đó là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực vốn đầu tư công để đầu tư phát triển hệ thống giao thông, theo đó đã làm chuyển biến và thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng giao thông, như các dự án: Tuyến đường đi bộ dọc đường Độc Lập, Xây dựng hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng chung quanh, Không gian công cộng ven biển khu vực nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Độc Lập cùng nhiều công viên, hạ tầng khu dân cư được đầu tư xây dựng. Mới đây nhất, HĐND tỉnh Phú Yên đã ra Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện dự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An đến thành phố Tuy Hòa.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên: Việc đầu tư hoàn chỉnh đoạn đường kết nối huyện Tuy An-thành phố Tuy Hòa (thuộc tuyến đường ven biển Phú Yên) là cần thiết để tạo cú huých cho phát triển tại khu vực này. Bên cạnh đó, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án khu vực ven biển, nhất là các dự án du lịch gắn với các danh thắng cấp quốc gia: Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến.
Việc đầu tư hoàn chỉnh đoạn đường kết nối huyện Tuy An-thành phố Tuy Hòa (thuộc tuyến đường ven biển Phú Yên) là cần thiết để tạo cú huých cho phát triển tại khu vực này. Bên cạnh đó, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án khu vực ven biển, nhất là các dự án du lịch gắn với các danh thắng cấp quốc gia: Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên
Tuyến đường khi hoàn thành sẽ tạo liên kết với trục giao thông ven biển nối ba tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương có biển, củng cố quốc phòng-an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Hai bên tuyến đường sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 4.000ha để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết