Mỗi địa phương phải có một sản phẩm tiêu biểu
Tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận định, chưa khi nào ngành Du lịch và lữ hành chịu trải qua khó khăn như lúc này, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30-4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng của năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.
Sau thời gian dồn lực chống dịch, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.
Toàn cảnh tọa đàm "Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, với nhiệm vụ mới, các cơ quan quản lý du lịch sẽ có hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của từng địa phương.
"Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi, nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông, tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, xây dựng lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói, hướng về di tích, danh lam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Sớm thí điểm đón khách theo từng giai đoạn
Tại tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành phố tham dự chia sẻ những kế hoạch phục hồi tại địa phương mình. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết, tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch mở cửa du lịch theo 4 giải đoạn: Giai đoạn 1 (dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11-2021) tập trung đón nguồn khách du lịch trong tỉnh; Giai đoạn 2 (dự kiến vào tháng 12-2021) sẽ thí điểm đón khách du lịch từ một số tỉnh, thành phố khác đã kiểm soát được dịch Covid-19; Giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 1-2022), mở rộng đón khách từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19; Giai đoạn 4 (dự kiến bắt đầu từ tháng 6-2022) sau khi Phú Quốc đón thí điểm khách quốc tế thành công, Quảng Nam sẽ đề xuất cho phép đón khách quốc tế.
Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa xây dựng kế hoạch phục hồi làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ ngày 1 đến 15-10, cho phép thí điểm các khu du lịch, các cơ sở lưu trú được phép đón khách du lịch nội tỉnh; Giai đoạn 2, từ ngày 16-10 đến ngày 15-11, mở rộng việc tổ chức đón khách du lịch trong nước đối với khách du lịch có thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19; Giai đoạn 3, từ ngày 16-11 đến hết ngày 31-12-2021, dự kiến các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, việc khởi động du lịch cần thận trọng nhưng không cản trở việc di chuyển của khách. "Các địa phương có kế hoạch mở cửa cần sẵn sàng các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, điểm đến...", ông Phùng Quang Thắng nói.
Còn bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng: "Hiện nay, các thủ tục hành chính giữa các địa phương rất nhiều, nhất là thủ tục cách ly, xét nghiệm, rất khó để du lịch phát triển. Tổng cục Du lịch nên phối hợp với các bộ, ngành có bộ tiêu chí hướng dẫn chung cho hoạt động du lịch, không nên mỗi địa phương một chính sách".
Tại tọa đàm, các đại biểu đồng nhất quan điểm, du lịch nội địa vẫn là chủ đạo để phục hồi thị trường và các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng triển khai thí điểm việc đón khách. Ngoài ra, các địa phương như Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, Khánh Hòa... sớm chuẩn bị các điều kiện để thí điểm đón khách quốc tế đúng kế hoạch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, sẽ sớm đưa Quỹ phát triển du lịch vào hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông cho du lịch trong nước và đón khách nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết