Chủ động vượt khó phục hồi du lịch
Dấu hiệu tích cực phản ánh sự phục hồi du lịch ở các tỉnh cửa ngõ phía nam Thủ đô đó là lượng khách du lịch tăng khá cao ngay từ đầu năm 2022. Trong đó phải kể đến tỉnh Hà Nam đã đón hơn 300.000 lượt du khách, doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, Mai Thành Chung cho biết: “Hà Nam chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch an toàn; ngành chức năng của tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các khu, điểm du lịch, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn mở cửa phục vụ du khách tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Kích hoạt các phương án, điều kiện cần thiết về an toàn du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lễ hội gắn với thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế.
Lợi thế du lịch của Hà Nam là khí hậu ôn hòa, thiên nhiên hữu tình; có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu Du lịch Tam Chúc, đền Trần Thượng, đền Lảnh Giang, nhà Bá Kiến; làng nghề trống Đọi Tam hơn 1.000 năm tuổi, làng dệt lụa tơ tằm Nha Xá; Lễ hội Tịch điền mang đậm bản sắc dân tộc, tạo ra sự lựa chọn du lịch mới, hấp dẫn khách du xuân”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện truyền thông thuộc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết: Hưởng ứng kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh Hà Nam, chúng tôi đã lắp đặt thêm hệ thống máy cảm biến đo thân nhiệt, phun thuốc sát khuẩn tự động; bố trí nhiều điểm khai báo y tế điện tử; thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tại nơi mua vé tham quan, bến tàu thủy, bến xe điện.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đến đây du lịch, chia sẻ: “Tôi rất vui vì các khu, điểm du lịch ở nước ta mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Lần đầu đến chùa Tam Chúc, thấy phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời!”.
Tại tỉnh Ninh Bình, việc phục hồi du lịch được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện bằng cách đưa ra các sản phẩm mới, thu hút khá đông du khách nội địa, quốc tế. Điển hình là doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra sản phẩm: Phố cổ Hoa Lư, du lịch đường hầm Tràng An, Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình ở chùa Bái Đính.
Thời gian qua, Ninh Bình đón hơn 375.000 lượt khách du lịch, trong đó có 1.060 lượt khách quốc tế, bằng 92,7 % so cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 157 tỷ đồng.
Nằm trên núi Nưa, đền Nưa-Am Tiên ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), năm nay tuy không tổ chức khai hội, song lượng khách du lịch đến đây tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm ngoái. Vùng đất này là nơi nữ tướng Triệu Thị Trinh chiêu hiền, tập hợp dân đinh xây dựng căn cứ địa phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Ngô.
Năm 2021, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm tới 37%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 15,3% so cùng kỳ năm 2020. Trước thực trạng đó, Thanh Hóa chủ động phục hồi du lịch bằng cách ký kết hợp tác khai thác, phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố trong nước; chú trọng thu hút khách từ các thị trường trọng điểm cùng nhiều giải pháp khác.
Kết quả hai tháng đầu năm nay, Thanh Hóa ước đón hơn 1,1 triệu lượt khách, tăng gần 94%, trong đó, khách quốc tế ước đạt 6.350 lượt, tăng hơn 4% so cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 116%, trong đó thu từ khách quốc tế được gần 2 triệu USD, tăng 7,4% so cùng kỳ.
Theo một số chuyên gia về du lịch, sở dĩ các tỉnh vùng cửa ngõ phía nam Thủ đô phục hồi du lịch nhanh có nhiều nguyên nhân. Trước hết, các địa phương này thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và quy định 5K của Bộ Y tế.
Nỗ lực chuyển đổi số
Tìm hiểu tại Ninh Bình chúng tôi nhận thấy: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ là “xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số”.
Để mục tiêu thành hiện thực, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, du lịch được xác định ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh cho biết: Đến nay, Sở Du lịch Ninh Bình, đã xây dựng ba trang thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý, quảng bá du lịch; thực hiện số hóa bản đồ các điểm tham quan và các cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng trạm thông tin du lịch thông minh.
Hiện, hầu hết các doanh nghiệp du lịch ở Ninh Bình đã xây dựng được website và phát triển tốt các tiện ích du lịch thông minh. Từ đó, các đơn vị kinh doanh du lịch khai thác hiệu quả nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, Tiktok.
Để tạo ra trục tăng trưởng mới, tỉnh Thanh Hóa lại có nhiều giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo trong phục hồi và phát triển du lịch. Nhiều năm qua, Thanh Hóa tập trung huy động các nguồn lực nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch, di tích trọng điểm.
Phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2026 theo hình thức trực tuyến, nhằm tăng tần suất khai thác “cầu hàng không” đưa khách tới Thanh Hóa.
Tỉnh đã “trải thảm” thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ có tính cạnh tranh cao; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp khai trương tuần du lịch, tuyến du lịch biển đảo Hòn Mê.
Mặt khác, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục Du lịch, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cung cấp sản phẩm công nghệ thông minh phục vụ du lịch như: Ứng dụng du lịch trải nghiệm, du lịch qua màn ảnh, hỗ trợ du khách thu thập thông tin, tìm kiếm địa điểm du lịch.
Đáng nói hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thanh Hóa tổ chức nhiều hội thảo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di tích, dịch vụ du lịch; tổ chức hoạt động du lịch thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) Bùi Ánh Tuyết cho biết: Ứng dụng du lịch thông minh, đơn vị trang bị thêm hệ thống loa thông minh có thể nhận biết khách và tự phát thông tin quảng bá giá trị di tích; kết hợp trình chiếu hình ảnh 3D giới thiệu tổng thể về quần thể di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc Lam Kinh.
Việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Thanh Hóa đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch; nâng tầm chất lượng, giá trị các điểm đến an toàn của tỉnh như: Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, chùa Khánh Quang, đền Chín Giếng, đền Sòng ở thị xã Bỉm Sơn, đền thờ Cầm Bá Thước, Chúa Thượng Ngàn ở huyện Thường Xuân… Đó là động lực để Thanh Hóa phấn đấu đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt 18.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Từ giải pháp phát triển du lịch của các địa phương nêu trên cho thấy, muốn phục hồi ngành du lịch nhanh, các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, tổ chức, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phục hồi phát triển kinh tế-xã hội khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhất là thực hiện tốt các nhóm vấn đề liên quan đến du lịch.
Các địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi của tỉnh; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp du lịch sau một thời gian dài ngừng hoạt động; kết hợp mở rộng liên kết, hợp tác, huy động nguồn xã hội hóa phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính đặc thù, thu hút khách du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết