Ngoại trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thông tin này được công bố sau cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa Tổng Thư ký NATO với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine và Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU ngày 21/2, tại Brussels (Bỉ). Tổng Thư ký NATO cho biết, cơ chế phối hợp mới không chỉ đáp ứng nhu cầu của Ukraine mà còn bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các thành viên NATO và EU. Trước đó, Đại diện cấp cao EU cũng kêu gọi 27 nước thành viên sử dụng kho đạn dự trữ để cung cấp cho quân đội Ukraine.
Cùng ngày, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã đến thủ đô Kiev, nhằm khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Truyền thông Italia dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết, Italia không loại trừ khả năng có thể cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Trong chuyến thăm Ba Lan, ngay sau khi rời Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa khẳng định “cam kết ủng hộ không lay chuyển” của Mỹ đối với Ukraine. Đây là chuyến thăm thứ 2 của Tổng thống Mỹ tới Ba Lan trong chưa đầy một năm. Ba Lan là thành viên NATO có đường biên giới dài nhất với Ukraine.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, Washington và các đồng minh dự kiến áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Theo đó, một nhóm gồm 30 nước sẽ tìm cách ngăn chặn Nga mua các loại hàng hóa có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Hội đồng châu Âu cũng thông qua việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga. Các nước EU đang thảo luận nội dung gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga. Một số nước kêu gọi EU ngăn chặn các công ty và nước thứ ba sử dụng quan hệ thương mại với EU hay quyền tiếp cận thị trường chung để "lách" các lệnh trừng phạt Nga.
Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Mỹ tại Nga để bày tỏ phản đối việc Mỹ can dự ngày càng mạnh vào cuộc xung đột tại Ukraine. Moskva cũng nêu rõ Washington nên đưa ra lời giải thích về các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 hồi tháng 9/2022.
Tại cuộc họp ngày 21/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thông qua một nghị quyết liên quan các vụ nổ nhằm vào các hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc. Liên hợp quốc hối thúc các bên kiềm chế và tuyên bố không xác nhận bất cứ khiếu nại nào liên quan vụ việc, cho tới khi kết quả các cuộc điều tra được công bố.
Gửi phản hồi
In bài viết