Trở về
![]() |
Lâu lắm rồi, hôm nay Phứng mới về quê. Nà Mò cách Nà Rây ba dãy núi, nào có xa xôi cách trở gì. Vợ chồng chị đâu có ngại đường xa, không sợ đường núi dốc cao, vực sâu. Cái mà chị sợ là sợ lòng người Nà Rây luôn coi chị như cái bụi nam khằng, chỉ muốn tống khứ xuống vực. “Cái nhà đó chẳng khác gì cây nam khằng nam cả, bụi nam pheo, ai muốn đau muốn rách thì dây vào.
Ai muốn lành thì phải tránh ra xa. Càng xa càng tốt”. Lời của người Nà Rây nói với chị trong cuộc họp xóm cách đây mấy chục năm vẫn còn in sâu trong đầu. Ngày gia đình khăn gói rời bản đó là giây phút mà trong suốt cuộc đời chị chỉ muốn quên, nhưng chị lại không thể không nhớ tới những ngày tháng buồn khổ năm nào. Nhà chị còn đó. Giờ đã mục nát, chỉ cần chạm tay là đổ.
Vượt ngọn đồi Rằng Cáy này chị sẽ bước chân vào chốn sinh ra. Mấy chục năm trôi qua, cảnh vật thay đổi nhiều quá. Đường mòn giờ đã thành đường lớn, hai xe ô tô tránh nhau không sợ va chạm. Đường điện hạ thế đã vươn đến mọi nhà. Chị chỉ tiếc mình không được sinh sống ở mảnh đất này. Khi bước chân chị đứng trên khau Rằng Cáy, cánh đồng lúa mênh mông thu vào trong tầm mắt. Hương lúa theo gió sực thẳng vào mũi làm chị ngây ngất. Những kỷ niệm một thời dồn dập ùa về.
* * *
Lúa năm nay tươi tốt, ngô năm nay trái to như bắp chuối hứa hẹn vụ mùa bội thu. Tiếc đó, nhưng chị phải ra đi. Chị không thể tiếp tục sống ở ngôi làng này được nữa. Các cụ đời truyền đời dạy nhà có đông anh em ở khắp bốn phương trời, không bằng anh em cạnh nhà, nhưng người làng đã tẩy chay gia đình chị như gia đình mắc hủi. Cái ngày gia đình sáu người dắt díu nhau rời bản Nà Rây, Phưng vẫn nhớ rành rọt từng lời trao đổi giữa ban lãnh đạo bản với nhau mà chị vô tình nghe được.
- Chúng ta phải tách gia đình vợ chồng thằng Tịnh con Phưng ra thôi. Trưởng bản Hàm nói.
- Tách một hộ ra riêng phải có lý do thật xác đáng mới được. Chúng ta không thể vì ghen ăn tức ở mà làm thế được. Bí thư Chi bộ Đông ngần ngừ.
- Phải lắm. Lời bí thư quả chí lý. Chúng ta phải xem xét thật kỹ mới được. Tách một hộ ra khỏi hội nếu làm không khéo chúng ta sẽ vi phạm chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc đấy. Trưởng ban mặt trận tổ quốc bản Tung nói.
- Anh cần có lý do chứ gì. Mồm con mẹ Phưng ác thế nào thì các anh đều rõ cả rồi. Trong cái bản này thử hỏi có gia đình nào không bị nó chửi bới nào? Ở trong cái bản này có ông bà nào không bị người phụ nữ kia rỉa rói, đào bới lên? Các anh tưởng nhà nó biết cách làm ăn, chăn nuôi thuận lợi ư? Không đâu. Nghĩ thế là nhầm. Nhà nó nhờ có ma quỷ phù hộ. Mẹ thằng Tịnh nuôi con ma độc ác lắm. Năm ngoái bà Lýn sang làng bên ăn cưới bỏ độc làm chết một lúc hai người.
- Thế có bắt được quả tang không? Có bằng chứng gì không? Nói có sách mách có chứng, không thể vu vạ cho người ta được đâu. Bí thư Đông nói.
- Thế anh không nghe bà con kháo nhau ầm ĩ cả lên à? Trưởng bản nói.
- Vậy có nghĩa là không có tang chứng vật chứng mà chỉ nghe đồn phải không? Anh Tung hỏi lại.
- Phải.
- Thế thì khó tách hội lắm.
- Còn cái này nữa. Gia đình đó có con ma gà. Chẳng qua gia đình đó hiện đang làm ăn khấm khá, cơm gạo đủ đầy, quần áo không thiếu nên ma gà không ra ngoài gây ác thôi. Người nhà nó hỏi thăm lợn, lợn chết, hỏi thăm trâu, trâu ngã. Khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
- Chuyện này tôi cũng đã nghe qua, nhưng bao nhiêu năm nay có thấy điều gì bất thường đâu.
- Tôi nói phòng trước thôi. Bí thư không quyết định được. Chi bằng chúng ta triệu tập một cuộc họp bản xem bà con có đồng tình không?
![]() |
Minh họa: Bích Ngọc |
Cuộc họp bản tối đó được tổ chức tại nhà bí thư Đông. Khi đại diện các gia đình đã đến đông đủ, trưởng bản Hàm quán triệt tinh thần. Anh phân tích hơn thiệt, tại sao phải tách hội gia đình Tịnh, Phưng. Và anh yêu cầu bà con giơ tay biểu quyết. Có không ít người lưỡng lự không giơ tay. Họ là những người có dây nhợ với gia đình chị. Từ xưa đến nay đa số thường luôn thắng thiểu số. Số hộ ít ỏi ngầm phản đối việc tách hội gia đình Phưng là những người biết “lựa theo chiều gió”.
Họ nhìn số đông và ánh mắt của trưởng bản, bí thư cuối cùng cũng phải miễn cưỡng giơ cánh tay lên. Chỉ chờ có vậy, trưởng bản đã nói với thư ký cuộc họp ghi vào biên bản một trăm phần trăm gia đình trong bản Nà Rây đồng ý tách hội gia đình anh Hướng Văn Tịnh ra khỏi bản. Việc tách hội có hiệu lực ngay tức khắc. Từ nay về sau trong bản có hiếu, hỷ không cho gia đình Tịnh tham gia. Ra đường không được chào hỏi nhau. Con cháu không được chơi với con nhà Tịnh, Phưng. “Chúng ta phải ép buộc gia đình đó đi ra khỏi bản này. Bản ta là bản trong sạch không thể chứa chấp đống phân thối như nhà đó được”. Câu nói của những người có vai có vế trong bản găm rất sâu vào trong tim trong óc chị.
Cuộc họp kín đó chị vô tình nghe được. Chẳng là tối đó con bò Pác Khao nhà chị mải mê cỏ nhả nhùng không biết đường về. Để nó trong rừng cũng không sao, trộm cắp không thể buộc dây thừng được vào đầu con bò hung dữ với người lạ. Nhưng nhỡ nó mà về ăn hoa mầu của người làng thì chị phải đền gấp mấy lần. Tìm mãi chị mới thấy bò nên về khá muộn. Khi đi ngang qua nhà bí thư, chị thấy đông người đã lắng nghe. Thì ra là thế. Thói ghen ăn tức ở, chuyện bé xé ra to ở đời không bao giờ mất đi được. Họ ghét gia đình chị không cho nhập hội cũng đành chịu.
Người trong bản cho gia đình chị hôi thối như hố nước dưới gầm sàn. Những tưởng đất đai, vườn tược, rừng khoanh của chị cũng hôi thối như đống phân kia không ai dòm ngó đến. Nhưng nào có phải, họ ép gia đình chị đi nơi khác. Họ nhắc nhau không ai được mua đất đai nhà chị. Khi nó đã đi ra khỏi bản rồi thì chia nhau mà làm. Họ còn nói nếu có người bản trên, làng dưới, người ngoài vào mua họ có tiền cứ bán cho họ. Nhưng không cho nó bước chân, đưa máy cày qua bờ ruộng người khác.
Tiền rừng khoanh nhà chị hằng năm được chi trả phí bảo vệ môi trường sẽ sung vào quỹ làng. Phưng nghe thấy ức lắm. Người ta bảo chị miệng ác. Nhưng cái bụng chị lại hiền khô. Họ miệng ngọt thơm sao cái bụng, cái nghĩ lại ác hơn cả loài thú hung dữ. Họ muốn gia đình chị phải ra đi khỏi cái bản này. Mà ở lại chị cũng không thể sống được. Đồng loại ở đây chối bỏ, nhưng ở nơi nào đó họ sẽ không tẩy chay. Nhưng đi đâu? Chị đã tính nát cả đầu từ ngày này qua tháng khác.
Bên nội, bên ngoại, anh em họ hàng ngoài bắc, trong nam chị đều tính đến. Chị cũng đánh tiếng, được anh em đồng ý. Nhưng đất đai không bán được thì lấy đâu ra tiền để đi? Vốn liếng tích cóp không đủ cho sáu người ăn trong vài tháng. Mà đi chẳng lẽ dành đất đai cho những người coi gia đình chị chẳng khác gì đống phân thối. Nhưng cùng đường rồi chị biết làm sao hơn.
Ngày chị dọn đến bản Nà Mò, ông chủ tịch xã Lưỡng Hà gọi chị lên trụ sở ủy ban. Ông nói.
- Chị Phưng ạ. Chúng tôi đã được xã bên thông báo. Họ nói rất không tốt về gia đình chị. Chúng tôi cho chị định cư lâu dài tại xã này. Nhưng phiền chị hãy lập cam đoan bằng văn bản sẽ không chửi bới, gây sự với người làng xóm bằng những từ ngữ độc hơn thạch tín, không hại chết người dân vô tội bằng việc bỏ độc. Chị có làm được không?
- Cảm ơn ông chủ tịch. Bản thân tôi không phải là người luôn đem cái ác, cái xấu đến với mọi người thì có lý do gì mà tôi lại không dám điểm chỉ ngón tay mình vào cái tờ cam đoan này. Tôi là người luôn đứng thẳng thì không lo sợ cái bóng mình bị nghiêng ngả.
- Vậy thì được. Mong là chị và gia đình giữ đúng lời.
Mới đó mà đã mấy mươi năm. Ngày ra đi tóc còn đen nhánh lúc trở về tóc đã pha sương. Bao nhiêu kẻ còn mất. Không lời nhắn nhủ, không đợi lời giải thích. Người không cần lời tha thứ, kẻ không mong sẽ được như ý. Những người vận động người trong bản tách hội chị giờ đều đã về với mẹ đất. Ngay cả ông chủ tịch xã lần lữa trong việc cắt hộ khẩu, chứng nhận nhân thân gia đình chị cũng đã thành người thiên cổ rồi.
Trong cái bản này không còn mấy người nhận ra chị nữa. Đất đai nhà chị lâu không canh tác hóa thành rừng. Rồi chị sẽ dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ. Chị sẽ cùng con cháu canh tác trên những thửa ruộng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt năm nào. Ngày trước gặp ai lời của chị nặng như đeo ngàn cân đá, lời buồn như ôm cả không gian. Ngay cả cười chị cũng chẳng dám cười to. Nhưng giờ thì khác rồi. Tiếng cười của chị nghe giòn giã và ấm như ngọn lửa hồng xua tan đêm đông buốt giá. Người ta nói gốc có vững cây mới bền.
Muốn người ta nể mặt mình trước hết mình phải làm gương cho người ta, sống luôn giúp đỡ anh em làng xóm. Chị giúp họ về kinh nghiệm, tiền của rồi chị đong về tình cảm tràn đầy của những người hàng xóm. Trong thâm tâm chị chỉ muốn sống nốt phần đời còn lại trên mảnh đất mới chan chứa tình người. Nhưng thẳm sâu trong lòng chị vẫn dấy lên điều gì đó làm chị không yên tâm.
Phải rồi cây có gốc, sông có nguồn, lẽ gì chị lại không có tông? Hẳn hồn thiêng của ông bà đang trên trời đang trách chị vô tình? Những linh hồn đang thầm gọi, thôi thúc chị quay về? Suy nghĩ trong đầu đã thông, Phưng cảm thấy trong lòng nhẹ như một cái lá cây cang lò rơi nghiêng theo chiều gió. “Mẹ đang nghĩ gì thế? Mẹ bước nhanh lên chứ. Anh Chức và bá Đáo đang mong. Mẹ không nhanh sẽ không kịp giờ làm lễ đón dâu đâu”. Tiếng gọi của thằng con trai mới đưa ý nghĩ của chị trở về thực tại. “Ừ, đi thôi. Nhà bá Đáo kia rồi”. Chị mỉm cười, nói với con trai và bước chân nhanh về Nà Rây bao năm xa cách…
Truyện ngắn: Nông Quốc Lập
Ý kiến bạn đọc