Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong tình hình mới

- Xây dựng hệ thống chính trị là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong tình hình mới, để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể để phát huy tốt hơn nữa vai trò của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, động viên và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tà Lùng (huyện Quảng Hà, tỉnh Cao Bằng)_Ảnh: TTXVN

Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thời gian qua

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có chức năng, nhiệm vụ “sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (1). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải đoàn kết quân, chính, Đảng. Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương” (2). Do đó, tham gia xây dựng và củng cố hệ thống chính trị là bổn phận, là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.

Những năm qua, quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đến cấp cơ sở tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Các lực lượng của quân đội, như đoàn kinh tế - quốc phòng, bộ đội địa phương ở các tỉnh, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới đã phối hợp cử cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, việc cán bộ bộ đội biên phòng giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy, trực tiếp cùng cấp ủy lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở các xã, thị trấn biên giới đất liền trong tình hình mới là một trong những mô hình cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, quân đội tham gia thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quân sự ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất, trồng cây lương thực, chăn nuôi,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản ngại hy sinh, xung phong vào những nơi khó khăn, gian khổ, vượt qua mưa lũ, sạt lở đất, dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân… Qua đó, làm sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khẳng định bản lĩnh, ý chí của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất trong thời bình… Bộ đội biên phòng ở cơ sở có nhiều biện pháp để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị. Giai đoạn 2015 - 2020, các đơn vị trong toàn quân tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 12.515 tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có 62.480 lượt xã, phường, thôn, bản, chủ yếu ở các vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, vùng biên giới, vùng trọng điểm… Giúp đỡ nhiều cơ sở yếu kém vươn lên khá và vững mạnh; tham gia kết nạp hàng nghìn đảng viên, xóa hàng trăm bản chưa có đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Bộ đội biên phòng có 332 đồng chí tham gia chính quyền xã, trong đó có 260 đồng chí giữ chức vụ trong cấp ủy. Toàn quân có 262 đồng chí tham gia hội đồng nhân dân các xã đảo, biên giới (3).

Các đơn vị bộ đội địa phương bảo đảm chuẩn bị tốt mọi mặt để động viên trong các trạng thái quốc phòng. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hoạt động và huy động, sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và xử lý tình huống quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, đặc biệt là ở cơ sở bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, thường xuyên có những chủ trương, biện pháp để phối hợp hiệu quả trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nơi địa bàn đóng quân.

Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ, đảng viên trong quân đội tham gia giữ các chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ các bản, ấp,… để “cùng nghĩ, cùng làm” với cấp ủy, chính quyền địa phương, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình mọi mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Trong đó, nhiều phong trào, hoạt động điển hình, như “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Trái tim cho em”, “Nâng bước em đến trường”, “Xuân đoàn kết, Tết thắm tình quân dân”, “Thầy giáo quân hàm xanh”,… đạt kết quả tốt, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở còn có những hạn chế. Ở một số lực lượng, việc tham gia chưa đi vào những nội dung căn cốt về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy dân chủ ở cơ sở. Một số cán bộ khi tham gia chính quyền còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, do đó, chưa thật sự có đóng góp trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở…

Quân và dân đảo Trường Sa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng gói bánh chưng đón tết Quý Mão 2023_Ảnh: TTXVN

Phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng thống chính trị ở cơ sở thời gian tới

Để phát huy có hiệu quả vai trò của quân đội trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nước ta thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, làm sâu sắc hơn nhận thức về vị trí, vai trò của quân đội trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền ở địa phương trong phổ biến, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và vai trò của quân đội đối với việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên cho người dân ở cơ sở. Quân đội là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành, công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, có vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị nói chung, hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng ngày càng vững mạnh. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng chính là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội.

Hai là, các đơn vị quân đội chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trong xử lý các vấn đề ở cơ sở.

Các đơn vị quân đội cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn để nắm chắc tình hình mọi mặt ở cơ sở. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ngay từ cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để thống nhất về các nội dung, phương thức tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống ngay từ cơ sở. Tập trung xây dựng, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo thành sức mạnh đoàn kết từ cơ sở.

Ba là, tập trung khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tăng cường cử cán bộ quân đội tham gia cấp ủy, chính quyền ở cơ sở để phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của họ trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời để cán bộ tích lũy kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy định về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là cơ chế, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với các chức danh cán bộ ở cơ sở. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong quân đội cần đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là cần nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở cơ sở. Trong đó, chú trọng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, như công tác tổ chức, sử dụng lực lượng, huấn luyện quân dự bị động viên, dân quân tự vệ, xây dựng thế trận và tiềm lực khu vực phòng thủ ở địa phương… Chủ động tham mưu, đề xuất và tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ này đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Bốn là, tập trung làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Lực lượng làm công tác dân vận trong quân đội cần sâu sát, nắm chắc địa bàn, gắn bó chặt chẽ với người dân ở cơ sở. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để chủ động giải quyết những vướng mắc nảy sinh, không để tình hình trở nên phức tạp. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân. Kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về các biện pháp phù hợp để quản lý địa bàn, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng chống phá hệ thống chính trị ở cơ sở, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống./.

PGS, TS. LƯƠNG THANH HÂN

Thiếu tướng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

--------------------------------

(1) Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 367
(3) Xem: Báo cáo số 1051/BC-DV, ngày 18-9-2019, của Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, “Kết quả công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt 5 năm (2015 - 2020), phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (2020 - 2025)”

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục