Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot
Ngày 7/1/1979 là ngày chiến thắng lịch sử vĩ đại của nhân dân Campuchia trước chế độ diệt chủng Pol Pot, khép lại thời kỳ đen tối, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc nội chiến kéo dài ở Campuchia chấm dứt vào 29/12/1998 nhờ chính sách Thắng - Thắng của cựu Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen
Sau khi điểm lại những thành tựu to lớn của đất nước Campuchia dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương và sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia do Samdech Techo Hun Sen, nguyên Thủ tướng Vương quốc Campuchia, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, tác giả khẳng định: Bất chấp nhiều thách thức đang nổi lên, Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Samdech Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Phó Chủ tịch CPP, vẫn có niềm tin mạnh mẽ, đề ra chính sách ưu tiên cải thiện đời sống của người dân; lấy năm 2023 là năm khởi đầu tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2050.
Nhà nghiên cứu Uch Leang (Ảnh: Đăng trên trang của RAC)
Theo nhà nghiên cứu Uch Leang, Campuchia giúp Việt Nam trong đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước và Việt Nam cũng giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng. Những thành tựu Campuchia đạt được ngày nay là nhờ công lao của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia cùng sự ủng hộ của Bộ đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam.
Theo đó, ngày 7/1/1979, các chiến sĩ của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam đã đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot, Ieng Sary và Khieu Samphan cầm đầu.
Chiến thắng này là sự kiện lịch sử, thể hiện tình đoàn kết quốc tế to lớn giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia-Việt Nam; mở ra một trang mới trong mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai đất nước.
Sau chiến thắng vang dội này, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại để giúp huấn luyện và hướng dẫn cho đến khi quân đội Campuchia có đủ năng lực ngăn chặn nguy cơ chế độ diệt chủng (tàn quân khi đó ẩn náu ở biên giới Campuchia-Thái Lan) quay trở lại, rồi mới rút toàn bộ khỏi Campuchia vào ngày 20/9/1989.
Nghị quyết Đại hội Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia lần thứ 6, ngày 15/11/2023, cũng bày tỏ cảm ơn các nước bạn xa gần, đặc biệt là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Trong chuyến thăm chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hai ngày, từ 11 đến 12/12/2023 mới đây của Samdech Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, lãnh đạo hai nước đánh giá cao sự phát triển ổn định trong quan hệ và hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ; đồng thời, đề ra các kế hoạch hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối, y tế, giáo dục, an ninh và hợp tác ở khu vực biên giới.
Theo tác giả, quan hệ Campuchia-Việt Nam phát triển mạnh mẽ thông qua tăng trưởng thương mại, đầu tư và dịch vụ, đồng thời hai nước có tiềm năng lớn về quan hệ đối tác kinh tế gắn liền với chuỗi cung ứng. Phía Campuchia đề nghị Việt Nam hợp tác thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới và tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh Việt Nam, đồng thời đề nghị Việt Nam sớm xác định vị trí điểm nối giữa các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet.
Để đẩy mạnh dòng chảy thương mại và đầu tư, phía Campuchia đề nghị thúc đẩy hợp tác bổ sung thông qua công thức “Việt Nam + 1”, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Phía Campuchia nhấn mạnh về lợi ích chung của việc lập kế hoạch hành động phát triển du lịch “Ba nước, một quốc gia” Campuchia-Lào-Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hơn nữa cơ chế hợp tác ba bên (Campuchia-Lào-Việt Nam) trong các lĩnh vực quan trọng.
Ghi nhận đà tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước, hai bên đặt mục tiêu nâng giá trị trao đổi hàng hóa giữa Campuchia và Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Tác giả dẫn nguồn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2023, có 206 dự án đầu tư Việt Nam đăng ký tại Campuchia với tổng vốn 2,94 tỷ USD, đứng thứ hai trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư vốn và nằm trong nhóm 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
“Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia. Việc thực hiện những mục tiêu trên góp phần vun đắp sự hợp tác trên mọi lĩnh vực và mọi cấp độ giữa hai quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050 của Campuchia”, nhà nghiên cứu của RAC khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết