Quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước

Đánh giá những thách thức, cơ hội đặt ra trong năm 2023, Bộ Tài chính đã có những định hướng chính sách tài khóa để bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô. Có thể nói đến thời điểm này, công tác thu ngân sách nhà nước đã hoàn thành và vượt dự toán mà Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa: VGP

Ðây không chỉ là kết quả thể hiện sự nỗ lực của ngành tài chính, cơ quan thuế các cấp mà là kết quả của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh cũng như của những quyết sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước trong phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, từ quý III/2022 trở lại đây, nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường: Xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp; khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ. Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,... chưa thể khắc phục ngay để khôi phục nguồn thu ngân sách nhà nước. Sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm lại do thiếu đơn hàng mới. Thị trường xuất khẩu giảm sút khi cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia suy giảm...

Những vấn đề nêu trên sẽ là những áp lực lớn cho nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.

Ðể giảm tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp. Trước mắt, định hướng này có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Ðể hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước, ngành tài chính đã xác định phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp cốt lõi.

Trước hết, ngành sẽ bám sát chủ trương, định hướng của Ðảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa, nhất là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15; chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó những khó khăn, thách thức thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra; chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Ngoài ra, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung-cầu thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...; thực hiện tốt các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển; đẩy mạnh giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư...

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục