Từ thực tiễn hợp tác với trên 40 tỉnh, thành phố triển khai đô thị thông minh, thành phố thông minh, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã chia sẻ bài học, kinh nghiệm của VNPT trong triển khai xây dựng đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, VNPT luôn xác định các hoạt động của đô thị cần được quản lý dựa trên các nền tảng, công nghệ, dữ liệu số để giúp cho đô thị được quản trị, vận hành thông minh, thông suốt. Trước hết, phải bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh; triển khai hạ tầng kết nối mạng tốc độ cao (mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 4G, 5G); triển khai hạ tầng điện toán đám mây; cung cấp tài nguyên lưu trữ, tính toán, kết nối với khả năng mở rộng linh hoạt, an toàn, tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành; đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở…
Quan điểm tiếp theo là phải lấy người dân làm trung tâm. Việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị thông minh. Mỗi người dân sẽ là một công dân số có định danh điện tử duy nhất để tương tác với chính quyền và sử dụng các dịch vụ thông qua môi trường mạng internet. Ưu tiên triển khai các giải pháp ứng dụng giúp người dân có thể tương tác, phản ánh các kiến nghị tới cơ quan chính quyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp về an sinh xã hội, y tế, giáo dục; triển khai giải pháp lắng nghe mạng xã hội; các giải pháp quan trắc môi trường, không khí, nguồn nước, chiếu sáng thông minh, cấp, thoát nước thông minh; các giải pháp giao thông thông minh, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, quản lý đất đai...
Tiếp đến, cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội (như đối tác công tư...) để xây dựng đô thị thông minh; bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan như chính quyền, người dân, doanh nghiệp... Phải căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất đặc thù tại địa phương.
Về giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự đô thị, Tiến sĩ Huỳnh Lương Huy Thông (Phòng Nghiên cứu và phát triển) của tập đoàn đã giới thiệu các hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị 1022, giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội; hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông qua camera. Các giải pháp này tuy hoạt động độc lập nhưng có thể tích hợp và triển khai trong cùng hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC), giúp cho nhà quản lý điều hành có công cụ để quản lý thống nhất trên một giao diện duy nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc dự án Chuyển đổi số khối chính quyền của tập đoàn cũng cho biết, đến nay, VNPT đã hợp tác xây dựng với 45 đơn vị. IOC giúp kết nối cơ quan Chính phủ và các đô thị trong nước, giúp tổng hợp, phân tích thông tin tình hình kinh tế - xã hội theo tháng; theo dõi và phân tích chuyên sâu các nhóm chỉ tiêu trọng tâm để nắm bắt kịp thời nhịp đập của nền kinh tế.
Bên cạnh việc chia sẻ các bài học, kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị thông tin, VNPT đã khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong việc triển khai đô thị thông minh bền vững, thực hiện thành công mục tiêu được Chính phủ đề ra. Với hơn 100 chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Tập đoàn VNPT cam kết đồng hành với các tỉnh, thành phố và đô thị trong việc khảo sát, tư vấn, phát triển giải pháp, và triển khai các giải pháp công nghệ số.
Gửi phản hồi
In bài viết