Quang Hải trong một trận đấu của đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Dù sao chúng ta cũng được góp mặt ở sân chơi đỉnh cao và thi đấu sòng phẳng, nhiệt huyết. Nhưng, nỗi buồn lớn nhất khép lại năm cũ là thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo không thể bảo vệ được ngôi vô địch khi phải dừng bước tại bán kết AFF Suzuki Cup 2020. Thất bại này mang đến hụt hẫng và gây nên không ít tranh luận về đường hướng xây dựng, phát triển lực lượng kế cận ở các đội tuyển quốc gia cùng nhiều nỗi lo bởi những thách thức lớn của năm 2022.
Trong năm nay, bóng đá Việt Nam có nhiều mục tiêu để hướng tới và chinh phục. Ba tháng đầu năm, đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự bốn trận đấu còn lại của vòng loại World Cup 2022 với các đội tuyển Australia, Trung Quốc, Oman và Nhật Bản. Ðến cuối năm, đội tuyển của chúng ta sẽ trở lại cuộc đua giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2022.
Cùng với đó, đội tuyển U22/U23 sẽ tham dự SEA Games 31 để bảo vệ Huy chương vàng và vòng chung kết giải U23 châu Á, ASIAD 19, giải U23 Ðông Nam Á. Tính ra, riêng với các cấp đội tuyển trẻ, đã có khoảng hơn 20 trận đấu quốc tế, một lịch trình có thể nói là dày đặc.
Những thành tích đã có và thất bại mới đây cùng mục tiêu sắp tới đang tạo áp lực không nhỏ lên các đội tuyển, nhưng cũng mở ra cơ hội mới để bóng đá Việt Nam phát triển. Ðây cũng là năm có nhiều biến động trong cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và công tác huấn luyện của các đội tuyển. Nhiều khả năng, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có huấn luyện viên mới thay ông Park Hang-seo sau SEA Games 31 và huấn luyện viên người Hàn Quốc sẽ chỉ tập trung vào đội tuyển quốc gia. Ðã có nhiều lo lắng khi những thay đổi có thể tạo nên các hiệu ứng tiêu cực, song cũng mang lại nhiều kỳ vọng về những cơ hội mới cho sự phát triển.
Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể nói đội tuyển Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ xuất sắc ở các tuyến. Chính họ đã từng là lứa cầu thủ trẻ của U22/U23 trước đây, sau đó là nòng cốt cho đội tuyển quốc gia đã làm nên những chiến công vang dội suốt bốn năm qua, góp phần khẳng định vị thế của bóng đá nước nhà trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, lứa cầu thủ ấy đang có những bước chững lại và đang bước vào độ tuổi cứng, trong khi thế hệ cầu thủ đàn em vẫn chưa cho thấy được khả năng nối tiếp xứng đáng ở các giải đấu vừa qua. Mục tiêu bảo vệ tấm Huy chương vàng ở SEA Games 31 của đội tuyển U22/23 Việt Nam chắc chắn không dễ dàng gì nếu nhìn vào sức mạnh của các đội tuyển U22/23 như Thái Lan, Indonesia, Philippines... với nhiều cầu thủ lứa này đã và đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia các nước và thể hiện được khả năng của mình ở các giải đấu khu vực cũng như cấp châu lục.
Ðể có một nền bóng đá thật sự phát triển bền vững, về lâu dài, cần những thay đổi mang tính chiến lược, quan tâm đầu tư mở rộng về nền tảng, làm cơ sở cho cấp đội tuyển. Trong đó chú trọng đầu tư bóng đá trẻ và tính chuyên nghiệp của giải bóng đá vô địch quốc gia, tạo nên sự kế thừa, nối tiếp giữa các thế hệ. Thành tích có thể lên xuống đối với những nền bóng đá phát triển, nhưng đẳng cấp và trình độ của họ là không thể phủ nhận bởi họ có một nền tảng phát triển chuyên nghiệp, bổ sung liên tục từ nguồn chọn lựa dồi dào. Sự phát triển của bóng đá trẻ với nhiều tài năng được đào tạo sẽ cung cấp đủ nhân lực cho các đội tuyển dựa trên sự cạnh tranh và khả năng thay thế. Ðồng thời, giúp cho các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ, tiếp thu kinh nghiệm để hình thành những đội bóng mạnh trong tương lai, thi đấu đồng đều ở các tuyến.
Những thăng tiến của đội tuyển Việt Nam thời gian qua, không đồng nghĩa với sự tiến bộ chung của cả nền bóng đá. Bên cạnh việc nâng cao hơn chất lượng và tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia, điều quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo trẻ. VFF và các câu lạc bộ cần tiếp tục đầu tư tốt hơn và có hướng phát triển phù hợp cho bóng đá trẻ và mở rộng hơn nữa cánh cửa lên đội tuyển quốc gia cho cầu thủ trẻ.
Những năm gần đây, VFF và các câu lạc bộ chuyên nghiệp hàng đầu như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội... đã thay đổi hẳn chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ với quy trình tuyển chọn gắt gao, từ hàng nghìn cầu thủ năng khiếu mới chọn ra được một số tài năng trẻ; thuê chuyên gia giỏi của nước ngoài huấn luyện cả kỹ thuật, thể lực và dinh dưỡng. Các câu lạc bộ cũng cần mạnh dạn đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ, tạo cơ hội cho họ trên sân cỏ. Có như vậy, chúng ta mới mong có được những lứa cầu thủ tài năng cho các cấp đội tuyển.
Gửi phản hồi
In bài viết