Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động

- Năm 2021, tỉnh ta thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 21.000 lao động. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp, tiến hành rà soát thực trạng lao động và thị trường lao động, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm qua Website, cổng thông tin điện tử...

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 25.500 lao động, đạt 121,4% kế hoạch. Đồng chí Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: ngành đã kịp thời phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát nhu cầu việc làm và kết nối các thị trường lao động ngay từ đầu năm. Cùng với đó, tích cực triển khai tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.427 lượt người lao động; tổ chức 9 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tại huyện Yên Sơn và Sơn Dương; quyết định hỗ trợ học nghề cho 4 lao động với mức hỗ trợ 12 triệu đồng… Ngoài ra, phòng tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chỉ tiêu về đào tạo nghề nghiệp cho người lao động trong ngành nông nghiệp thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Công nhân Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh (Sơn Dương) bắt nhịp làm việc ngay từ đầu năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ngay từ đầu năm cũng đã đón người lao động đến nhận thông tin tư vấn việc làm và nộp hồ sơ xin làm việc. Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm, trong 2 tháng qua, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 1.549 lao động. Trong đó, có 53% lao động là đối tượng đang được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Lượng lao động tham gia tư vấn việc làm giảm so với đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trung tâm đã tích cực triển khai đăng tải các thông tin về tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố giới thiệu việc làm và học nghề cho bộ đội xuất ngũ tại địa phương...

Anh Bàn Văn Giáp, dân tộc Dao ở thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chia sẻ, sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại một công ty may mặc, anh có mong muốn được đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, anh đã liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn về thị trường lao động, mức lương, công việc và các chế độ chính sách của các doanh nghiệp về xuất khẩu lao động có nhu cầu tuyển dụng. Hiện tại anh đã chọn được doanh nghiệp phù hợp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đi làm việc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên đổi mới công tác giáo dục, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, trước mỗi đợt tuyển sinh, nhà trường tổ chức tư vấn về các nhóm nghề trọng điểm, nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo để học sinh, sinh viên nắm bắt. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kết nối với các công ty, xí nghiệp cần tuyển dụng lao động để đảm bảo đầu ra cho học viên chuẩn bị tốt nghiệp.

Tính đến hết tháng 2-2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 2.400 lao động. Thời gian tới, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nhất là khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục