Du khách chèo kayak khám phá động Phong Nha về đêm.
Chương trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn mới với rất nhiều kỳ vọng diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi kinh tế-xã hội chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và nước ta chuyển sang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Khi vai trò của người dân, doanh nghiệp được phát huy
Bí thư Ðảng ủy thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Hồ Ngọc Thanh cho biết, khoảng 15 năm trước, cuộc sống của người dân “quê hương” Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn nhiều khó khăn, nhiều người phải vào rừng chặt phá rừng trái phép. Tuy nhiên, cùng với sự vận động, thuyết phục của cấp ủy, chính quyền và các biện pháp ngăn chặn, việc phá rừng dần được hạn chế.
Sự phát triển du lịch ở khu vực Vườn quốc gia đã làm thay đổi nhận thức của người dân khi họ từ bỏ việc phá rừng để về làm du lịch. Một trong số đó là anh Hoàng Văn Ninh, hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha. Từ bỏ nghề rừng trái phép, khi khách đến tham quan động Phong Nha, đồng chí Ninh và gia đình chuyển sang nghề chạy thuyền phục vụ du khách tham quan hang động và mở ra hướng mưu sinh đến hôm nay. Nhiều người khác mạnh dạn vay vốn, học hỏi thêm để mở các dịch vụ du lịch cộng đồng, đón khách ngay tại nhà. Có số lượng lớn lao động trẻ, khỏe từng bám rừng mưu sinh thì nay là nhân viên khuân vác phục vụ các tour du lịch mạo hiểm khám phá hang động, trong đó có tour chinh phục hang động lớn nhất thế giới - hang Sơn Ðoòng.
Ðồng chí Hoàng Văn Ninh cho biết, cùng với nghề chạy thuyền du lịch, Chi bộ định hướng, vận động các đảng viên và người dân trong thôn nuôi cá trắm, cá chình - là các đặc sản sông Son để phục vụ du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng nên đời sống người dân được nâng cao. “Trong các buổi sinh hoạt chi bộ hoặc họp khu dân cư, Chi bộ thường trao đổi, góp ý cùng nhau nâng cao ý thức phục vụ du khách để xây dựng hình ảnh ấn tượng về đội thuyền của vùng di sản thiên nhiên thế giới” - đồng chí Hoàng Văn Ninh chia sẻ.
Tại Cự Nẫm, xã nông thôn mới có nhiều giá trị văn hóa và tài nguyên du lịch tiêu biểu ở tỉnh Quảng Bình, tỉnh đã triển khai đề án Làng văn hóa-du lịch Cự Nẫm. Mục tiêu là xây dựng Cự Nẫm thành điển hình cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở Cự Nẫm.
Làng văn hóa-du lịch Cự Nẫm được xây dựng có tổng diện tích 3.279ha, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng ít nhất 100 nghìn lượt khách mỗi năm. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng ít nhất 50 nghìn lượt khách lưu trú mỗi năm. Bí thư Ðảng ủy xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Tiến cho biết, xã vận động người dân vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan làng quê đẹp để đón khách; lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, hình thành các mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp để khách có những trải nghiệm mới. Xã cũng đề nghị lập quy hoạch khu vực thương mại dịch vụ với hơn 64ha đất để tạo điều kiện cho các hộ dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh du lịch.
Huy động nhiều nguồn lực cho du lịch
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Ðặng Ðông Hà, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song nét nổi bật 2 năm qua là việc huy động nhiều nguồn lực, nhiều thành phần cũng tham gia để phát triển du lịch, từ quảng bá, giới thiệu điểm đến, đầu tư hạ tầng và cơ sở lưu trú, tạo ra sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn về quảng bá du lịch, trong tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp Tổng cục Du lịch và Công ty Chua Me Ðất thực hiện việc tôn vinh hang Sơn Ðoòng trên trang chủ của Google (Google Doodle) đến 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với quy mô tiếp cận gần 600 triệu người.
Sở Du lịch cũng phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch qua các nền tảng số; tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch qua các hội chợ, sự kiện du lịch lớn trong nước; phối hợp các hãng truyền thông, truyền hình hàng đầu thế giới giới thiệu du lịch Quảng Bình đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Cùng với việc hoàn thiện các quy hoạch phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch trọng điểm, hai năm qua, tỉnh đầu tư 259 tỷ đồng cho hạ tầng du lịch.
Từ năm 2021 đến nay, có 16 dự án du lịch đầu tư tại Quảng Bình với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu nhận xét, việc triển khai thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 bị gián đoạn do dịch bệnh nhưng khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì du lịch như chiếc lò xo có độ “bật nhún” rất lớn. Du lịch Quảng Bình đã kịp bắt nhịp và khởi sắc, nhất là trong mùa du lịch năm nay. Kết quả đó có được là nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi người dân, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau đại dịch, thị hiếu và nhu cầu của du khách có sự thay đổi lớn, do vậy, người làm du lịch cũng phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu đó. Bên cạnh kết quả đạt được, du lịch của Quảng Bình còn nhiều hạn chế. Ðó là cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng, phong phú; thiếu các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn có khả năng thu hút được số lượng lớn khách du lịch, các dịch vụ du lịch về đêm; du lịch vẫn nặng tính mùa vụ do chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện khí hậu, thời tiết.
Nhận diện rõ những hạn chế này là dịp để Tỉnh ủy Quảng Bình tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả của lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết