Một đoạn suối Chà Cùng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. (Ảnh: CTV)
Do điểm du lịch này nằm trong khu vực rừng phòng hộ xã Trường Sơn nên trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho phép khai tạm thời với sự giám sát chặt của các cơ quan, đơn vị liên quan để bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh được giao liên kết, phối hợp đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác tạm thời sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh với lộ trình tham quan cho các đoàn khách hợp lý, bảo đảm an toàn và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Tại đây, đơn vị khai thác được tổ chức 2 chương trình tham quan với thời gian 1 ngày (mức thu dịch vụ tham quan là 75 nghìn đồng/khách/lượt) và 2 ngày 1 đêm (mức thu 150 nghìn đồng/khách/lượt). Số lượng khách được quy định cụ thể tùy theo chương trình. Ngoài ra, du khách còn được tham quan, trải nghiệm miễn phí cuộc sống của đồng bào ở các thôn, bản xung quanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.
Được biết, suối Chà Rào, suối Chà Cùng thuộc bản Cây Cà, xã Trường Sơn là những dòng suối tự nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng. Cùng với làn nước trong xanh, nơi đây có nhiều bãi đá, gờ đá tạo nên những ghềnh thác nhỏ đẹp mắt. Ngoài ra còn có các tràn đá tự nhiên bằng phẳng, làn nước trong vắt nhẹ nhàng chảy qua. Ở một vài đoạn suối sâu, du khách có thể thử cảm giác đu dây và buông mình xuống nước xanh ngắt và thỏa sức bơi lội. Dòng suối, cảnh vật nơi đây không chỉ là địa chỉ cho du khách tham quan, trải nghiệm trong những ngày hè mà còn là điểm check-in hấp dẫn bên mái Trường Sơn đối với khách du lịch.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì, việc được phép khai tạm thời thác sản phẩm khám phá thiên nhiên suối Chà Rào-Chà Cùng không chỉ mang đến sự trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi đến với núi rừng Trường Sơn mà còn góp phần khai thác tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây, mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng để giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thoát nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết