Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề để phát triển du lịch-dịch vụ xanh như: Chính sách mở cửa ngành du lịch và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững du lịch; chiến lược tăng trưởng xanh và giải pháp thúc đẩy ngành du lịch-dịch vụ xanh; liên kết doanh nghiệp du lịch - chìa khóa phát triển du lịch xanh.
Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình du lịch xanh trên thế giới, tại Việt Nam, tỉnh Quảng Nam và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Quảng Nam - một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa bản địa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn phát triển theo hướng du lịch xanh là cách làm mới sản phẩm du lịch sau dịch, bảo tồn phát huy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, doanh nghiệp, du khách, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Có ý kiến cho rằng, "Du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa", kế tiếp du lịch "xanh" là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa-di sản và tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, tỉnh cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; đào tạo lại lao động ngành du lịch; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhìn nhận, việc tổ chức Hội thảo là hành động thiết thực trong việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới;
Hội thảo là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch. Qua đó, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững - đồng chí Trần Văn Tân nói.
Tại đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Theo đó, nội hàm của du lịch xanh có 3 thành tố trụ cột. Thứ nhất, du lịch xanh phải bảo đảm phát triển bền vững; thứ hai là bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; thứ ba là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam nói riêng và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung”.
Bộ tiêu chí này bao gồm 6 lĩnh vực cho các loại hình: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, lữ hành và điểm tham quan.
Khi thực hiện đúng tiêu chuẩn của bộ tiêu chí, doanh nghiệp sẽ hướng đến sự phát triển bền vững khi tiết kiệm chi phí vận hành, bảo đảm chất lượng dịch vụ, sản phẩm, xây dựng thương hiệu bền vững và góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Dịp này, tỉnh Quảng Nam cũng đã công bố sự kiện Tuần hoàn du lịch xanh Quảng Nam 2022; đồng thời trao Giấy chứng nhận “Điểm đến du lịch xanh” cho 14 doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng thành công các sản phẩm du lịch xanh thời gian qua.
Gửi phản hồi
In bài viết