Quảng Nam gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú và đa dạng, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) trình diễn nhạc cụ và trang phục truyền thống.

Đây là việc làm ý nghĩa, vừa gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là nơi cư trú của gần 4.500 đồng bào dân tộc Cor. Đã có lúc người Cor nơi đây không còn giữ được phong tục truyền thống. Những làn điệu dân ca truyền cảm dần mai một, rơi vào quên lãng khi những nghệ nhân lớn tuổi qua đời. Tục đấu chiêng là hình thức thi diễn cồng chiêng rất độc đáo cũng bị mai một. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Cor dần được khôi phục. Có được thành công này là nhờ nỗ lực sưu tầm, truyền dạy của Nghệ nhân Ưu tú Dương Lai (năm nay đã ngoài 60 tuổi), người dân tộc Cor, sinh ra và lớn lên tại làng Kót, xã Trà Liên (cũ), nay là hai xã Trà Kót và Trà Nú (huyện Bắc Trà My).

Nghệ nhân Dương Lai chia sẻ, theo dòng chảy thời gian, do tác động của môi trường sống và giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền đã thay đổi quá nhiều, nên một bộ phận lớp trẻ dân tộc Cor ở trong thôn không còn yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống người Cor nữa. Nhiều người ở tuổi trung niên cũng thờ ơ với tiếng cồng chiêng, đan lát, nghệ thuật trang trí cây nêu; đến các loại đàn, sáo... cũng không biết thổi, không biết đánh và không biết cách chế tác. Chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cứ dần mai một theo năm tháng trong chính đời sống của đồng bào, ông quyết tâm phải có những việc làm cụ thể để đánh thức, khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Còn tại xã Zuôih, xã biên giới của huyện Nam Giang (Quảng Nam), dù kinh tế còn khó khăn nhưng các nghệ nhân đồng bào Cơ Tu luôn gìn giữ những điệu múa cồng chiêng đặc sắc. Có được thành quả này là nhờ nghệ nhân Bhling Hạnh ở thôn Công Dồn, với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu. Ông luôn mong muốn, bản sắc văn hóa của người Cơ Tu được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau, nên đã bỏ công sức sưu tầm, chỉ dạy và truyền lửa đam mê cho lớp trẻ. Nghệ nhân Bhling Hạnh chia sẻ, với người Cơ Tu, cồng chiêng không chỉ là niềm kiêu hãnh, mà còn là thứ ngôn ngữ kết nối con người với thế giới siêu nhiên. Giờ đây, tại các lễ hội truyền thống của người Cơ Tu, nhìn những thanh niên nam nữ Cơ Tu nối tay nhau múa theo điệu Tung tung da dá truyền thống, theo nhịp điệu của trống và cồng chiêng, ông như sống lại với những ngày mình còn trẻ.

Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 150.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 9,3% dân số toàn tỉnh. Trong số các dân tộc thiểu số, có bốn dân tộc định cư lâu đời với tổng số dân hơn 132.000 người, gồm: Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié-Triêng và Cor. Những năm qua, cách mà tỉnh Quảng Nam bảo tồn văn hóa là dựa vào những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đây là hạt nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp gắn kết cộng đồng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gương mẫu trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phát triển văn hóa-xã hội, có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, Quảng Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Chính nhờ vậy, tại các huyện miền núi ở Quảng Nam đã gìn giữ cũng như tạo sự lan tỏa rộng rãi về sự chung tay phát huy những nét độc đáo của văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.

Dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch

Hơn 10 năm trước, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nhiều cộng đồng khôi phục các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, địa phương kết hợp sắp xếp dân cư gắn với xây dựng làng văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Đây được xem là không gian văn hóa thu hút du khách trong, ngoài nước đến trải nghiệm và khám phá. Đến nay, ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã hình thành một số điểm đến du lịch như: Bhờ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang); làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn); làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, làng dệt Zơra (Nam Giang); làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường (Bắc Trà My); làng du lịch cộng đồng Mô Chai (Nam Trà My); làng văn hóa cộng đồng Ta Lang, làng Pơ’ning (Tây Giang); khu du lịch bảo tồn văn hóa Bhnong (Phước Sơn) và khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức)...

Song song với mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Quảng Nam đang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn vùng núi cao để phát triển mô hình du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng. Nổi bật là Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang có tổng diện tích hơn 120 ha, do Công ty cổ phần Du lịch Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) điều hành và đầu tư với tổng vốn gần 800 tỷ đồng. Đây là khu du lịch sinh thái lớn nhất được đầu tư xây dựng tại khu vực miền núi Quảng Nam. Sau gần bảy năm triển khai thi công, trong đó có hai năm đưa vào khai thác vận hành chạy thử, đến cuối tháng 4/2024 dự án chính thức được đưa vào hoạt động. Từ khi triển khai thi công đến vận hành, dự án đã tuyển dụng gần 1.000 lao động là người đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Hiện nay, khoảng 200 nhân lực là người đồng bào địa phương đang làm việc tại khu du lịch.

Từ khi triển khai thi công đến vận hành, dự án đã tuyển dụng gần 1.000 lao động là người đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty FVG Travel Phạm Thị Nghĩa chia sẻ: “Là một trong những doanh nghiệp đầu tư dự án lớn ở khu vực vùng núi Quảng Nam, chúng tôi nhận định đây là khu vực đa dạng về sinh thái lẫn văn hóa để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn với các lễ hội, lối sống sinh hoạt, ẩm thực, làng nghề truyền thống. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã định hình sản phẩm, xây dựng tour, tuyến với đa dạng các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa để hấp dẫn du khách”.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch miền núi, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Bên cạnh các bộ tiêu chí về phát triển du lịch xanh, Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Kế hoạch về phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam đến năm 2025. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 về kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục