Du khách trải nghiệm điểm du lịch rừng dừa nước Tịnh Khê, ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi.
Đến nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn được du khách trong, ngoài tỉnh biết đến và tham gia trải nghiệm như: du lịch cộng đồng làng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành; du lịch sinh thái cộng đồng rừng dừa Cà Ninh, xã Bình Phước, du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; du lịch cộng đồng tại rừng dừa xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi; du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ; du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo, xã Đức Tân và du lịch cộng đồng xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức...
Theo các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù đạt được những kết quả khích lệ song sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh còn đơn điệu, tính cạnh tranh không cao, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hoạt động theo mùa vụ
Để du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố dựa trên quy hoạch phát triển du lịch gắn với chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng mỗi xã một sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương, mỗi sản phẩm là một câu chuyện kể để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp ban hành kế hoạch thực hiện chương trình du lịch nông thôn; hỗ trợ các chủ thể, hợp tác xã lập hồ sơ, thủ tục có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận điểm du lịch khi đủ điều kiện.
Thứ hai, tập trung tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng đối tượng (cán bộ cơ sở, chủ thể và cộng đồng) tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng thương hiệu đặc trưng. Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, hiệu quả để quảng bá cho du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu của thị trường; liên kết chuỗi để du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững và có nhiều sự lựa chọn cho du khách.
Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Thứ tư, quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ cần được thực hiện thông qua các tiêu chuẩn và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành, nâng cao vai trò điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết