Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới ngày càng phát huy được giá trị về cảnh quan và là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Cùng Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch, dịch vụ dựa vào khai thác giá trị tài nguyên là di sản thiên nhiên. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên-văn hóa-con người đã trở thành phương châm hành động của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nhiều nhiệm kỳ gần đây.
Phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên
Bên cạnh khai thác tài nguyên du lịch thiên nhiên; việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp nguồn lực xã hội cho các di tích lịch sử, văn hóa đã góp phần quan trọng cho Quảng Ninh tạo ra các điểm, tuyến du lịch mới hấp dẫn. Nhờ những nỗ lực đó, số khách du lịch đến với tỉnh tăng trưởng đều trong những năm gần đây.
Với thiên nhiên tươi đẹp, địa hình đa dạng gồm cả vùng núi, đồng bằng và miền biển, Quảng Ninh hội tụ hệ thống di sản thiên nhiên và di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng, kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, vùng, miền trong hành trình xây dựng và phát triển lâu dài. Có thể kể tới di sản tiêu biểu không chỉ của tỉnh, mà còn của cả nước như Vịnh Hạ Long-kỳ quan thiên nhiên độc đáo, 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh còn lưu giữ được hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể và gần 400 di sản văn hóa phi vật thể.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho biết: “Di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, với nỗ lực bảo vệ di sản, các sản phẩm du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long đã được thành phố xây dựng và phát triển dựa trên giá trị nổi bật toàn cầu, được khai thác ở tầm quốc gia và quốc tế”.
Quảng Ninh hiện có hơn 100 lễ hội, được các địa phương huy động nguồn lực tổ chức hiệu quả, trở thành điểm đến văn hóa-tâm linh nổi tiếng cả nước như lễ hội Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đền Cửa Ông,… cùng nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội Hoa anh đào-mai vàng Yên Tử, hoa sở, trà hoa vàng,... Tất cả góp phần tạo dựng nên hệ thống di sản phong phú và đặc sắc, là tiềm năng, thế mạnh được Quảng Ninh chuyển hóa thành nguồn lực “đặc hữu” trong phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phương khẳng định: “Để phát huy nguồn lực này, tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực quản trị di sản theo hướng bền vững trên cơ sở quán triệt các quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, đồng thời xác định các lợi thế từ nguồn lực di sản của địa phương. Trước tiên, về mặt quan điểm, tầm nhìn chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn đề cao vị trí, vai trò của văn hóa và đưa ra những định hướng về phát triển văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Quan điểm đó có sự xuyên suốt, kế thừa từ các kỳ đại hội trước đó và bổ sung những điểm mới phù hợp với bối cảnh mới và thực tiễn địa phương”.
Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch-dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiêu biểu là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan ngày càng tăng. Giai đoạn 2010-2024, Vịnh Hạ Long đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó khách trong nước đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt hơn 23 triệu lượt; phí tham quan vịnh đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Nguồn thu này bổ sung đáng kể vào nguồn tài chính dành cho thành phố Hạ Long cải thiện hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản.
Chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là tiếp tục tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...
Động lực cho sự phát triển
Bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh cũng đang đứng trước thách thức phải tìm ra được động lực phát triển mới trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng về kinh tế, nhiều địa phương đã có những bước phát triển bứt phá ngoạn mục. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cho rằng: “Cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp văn hóa với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sáng tạo nghệ thuật gắn với phát huy giá trị của di sản. Cần tiếp tục xây dựng thương hiệu di sản văn hóa Quảng Ninh mang tính đặc trưng, nổi bật hơn và không ngừng đổi mới chiến lược tiếp thị di sản văn hóa phù hợp với môi trường liên kết toàn cầu”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: “Quảng Ninh đã thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”. Lấy trọng tâm là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh đã định hình các chính sách phát triển một cách dài hạn, không chỉ khai thác tiềm năng du lịch mà còn đặt ưu tiên cao vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và bảo vệ môi trường. Tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án chiến lược như: sân bay, cảng tàu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên sinh thái,… gắn liền với di sản Vịnh Hạ Long và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, cũng như phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân trong bảo tồn di sản, cân bằng giữa phát triển kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa, thiên nhiên”.
Quảng Ninh đã chủ động ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế di sản, tạo bước đột phá trong quản lý và quảng bá, truyền thông giá trị di sản. Tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu số về các di sản văn hóa và thiên nhiên, giúp quản lý thông tin một cách hệ thống, minh bạch và khoa học; đồng thời, thông qua các nền tảng trực tuyến, tích hợp công nghệ hiện đại mang đến trải nghiệm sống động cho du khách. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao hiệu quả bảo tồn và khai thác di sản mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường du lịch quốc tế, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh trong thời đại số hóa.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch, chuyển đổi sinh kế bền vững cho cộng đồng trong vùng di sản đang được Quảng Ninh quyết tâm thực hiện, coi đây là động lực tăng trưởng mới để “cất cánh”. Hướng đi và giải pháp đúng đắn này giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, từng bước đưa kinh tế di sản trở thành ngành kinh tế của sáng tạo và gia tăng giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới.
Gửi phản hồi
In bài viết