Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ - công trình kiến trúc mái vòm nổi tiếng thế giới; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình mà Chủ tịch Thường trực Thượng viện Leahy và các thượng nghị sĩ dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và sẵn sàng cùng Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện tiếp tục phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của các thượng nghị sĩ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đối với việc củng cố đồng thuận lưỡng đảng tại Hoa Kỳ ủng hộ quan hệ với Việt Nam, nhất là việc ủng hộ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh - một phần quan trọng và rất có ý nghĩa trong quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai dân tộc.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Chủ tịch Thường trực Leahy sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, động lực để các thế hệ nghị sĩ Hoa Kỳ tiếp nối công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, dành ngân sách khắc phục các điểm nóng về dioxin, bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu... qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với mong muốn và lợi ích chính đáng của mỗi bên, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Thủ tướng hoan nghênh và bày tỏ mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác nghị viện. Thủ tướng hân hạnh chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Thường trực Leahy thăm Việt Nam trong năm 2022; đề nghị Chủ tịch Thường trực Leahy và các cộng sự thúc đẩy việc thành lập Nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ thân thiện với Việt Nam, đồng thời phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp cũng như các cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Quốc hội hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các Thượng nghị sĩ.
Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy và các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ.
Ông cho biết, các Thượng nghị sĩ có mặt tại cuộc gặp đều có tình cảm đặc biệt và lâu bền với Việt Nam, đánh giá cao việc hai nước đã vượt qua những khác biệt và nỗi đau của chiến tranh để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn; khẳng định “Quốc hội Hoa Kỳ luôn có những thế hệ nghị sĩ ủng hộ quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”.
Các Thượng nghị sĩ chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của mình về đất nước, con người Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp nối công việc của Chủ tịch Thường trực Leahy sau khi ông nghỉ hưu để thúc đẩy quan hệ hai nước và giải quyết hiệu quả các vấn đề hai bên cùng quan tâm, cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển sâu, rộng hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy.
Các Thượng nghị sĩ bày tỏ quan tâm đối với triển vọng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam và cũng như khả năng Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch. Chủ tịch Thường trực Leahy vui vẻ nhận lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và các thượng nghị sĩ khác cũng bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam trong năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm trong đó có vấn đề Biển Đông, Myanmar, biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các thượng nghị sĩ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm của ASEAN trong các vấn đề khu vực; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm tự do, an toàn hàng hải-hàng không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982...
Gửi phản hồi
In bài viết