Điều 4 của Thông tư quy định, việc xác định giá của một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn dựa trên chi phí cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu, thành phần máu và việc điều chế các chế phẩm máu theo nội dung và mức chi như sau:
Chi hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tuyên truyền, vận động, tổ chức ngày hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người hiến máu. Mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ cho người hiến máu: 30.000 đồng/người/lần hiến máu.
Các cơ sở cung cấp máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu. Chi cho người hiến máu lấy tiền; chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Chi phí dụng cụ lấy máu, túi chứa máu bằng chất dẻo, vật tư, văn phòng phẩm, điện, nước phục vụ lấy máu, xét nghiệm và sàng lọc máu, chế phẩm máu.
Ngoài ra là chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định; chi phí phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; chi phí thuê xe, mua xăng, dầu khi đi lấy máu tại các điểm lấy máu lưu động; chi phí khám lâm sàng, mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm để làm các xét nghiệm bắt buộc; chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận, sàng lọc và lưu trữ máu, chế phẩm máu; chi hỗ trợ công tác tổ chức tư vấn cho người hiến máu tình nguyện; các khoản chi phí hợp lý và hợp pháp khác.
Thông tư số 15/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-9-2023.
Gửi phản hồi
In bài viết