Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Chiều 3-4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

 Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 262/QĐ-TTg để các ngành, địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn cung năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm.

Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng và mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, nhằm xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đáp ứng mục tiêu quy hoạch đã được đề ra, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước; thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đáp ứng phát triển bền vững và đòi hỏi, xu thế của toàn cầu; xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII trong thời kỳ quy hoạch cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cơ bản nhất trí với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đồng thời kiến nghị, góp ý, đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung chi tiết cho một số dự án của các địa phương để hoàn thiện kế hoạch; đề xuất Bộ Công Thương làm rõ một số nội dung về cơ chế giá, khung giá cho điện gió ngoài khơi.

Các tập đoàn kinh tế nhà nước kiến nghị một số nội dung liên quan đến chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ; triển khai chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư các dự án lưới điện…

Để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện cụ thể, đặc biệt là các dự án nguồn điện lớn và đặc thù như điện khí, điện gió ngoài khơi….

Cùng với đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan đến tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế hỗ trợ thực hiện; xây dựng chương trình quốc gia về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất. 

Các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất với quy hoạch điện lực cũng như các quy hoạch ngành; rà soát cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư; khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư của các dự án điện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án điện quy mô lớn, điện nền và các dự án truyền tải…. 

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tham gia đóng góp vào dự thảo các cơ chế, chính sách; nghiên cứu dựa trên quy hoạch, kế hoạch để đề xuất các dự án nguồn điện, dự án truyền tải…

Tin, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục