Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD;
GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm.
Phân tích về dữ liệu này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,05% trong khi tốc độ tăng dân số chậm hơn, điều này đã đẩy GDP bình quân đầu người tăng thêm 160 USD.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%. Con số này không có nhiều thay đổi sau một năm.
Trước đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận khoảng đạt mốc 400 tỷ USD vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.
Năm 2022 cũng là thời điểm thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt ngưỡng 4.000 USD/người/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và duy trì xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp.
Gửi phản hồi
In bài viết