Đại dịch Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi tung gói cứu trợ 250 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR), trị giá 650 tỷ USD. Theo Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, gói tài chính lịch sử này là “một liều vắc xin dành cho nền kinh tế thế giới”, giúp tăng cường sự ổn định toàn cầu.
Trong cập nhật mới đây của báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), IMF đánh giá nhiều quốc gia đã rơi vào khủng hoảng với mức nợ cao và bị hạn chế nguồn lực để tăng ngân sách y tế và xã hội.
Chuyên gia kinh tế Gita Gopinath của IMF nhận định, đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại 22.000 tỷ USD cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới từ năm 2020 đến 2025. Mặc dù, thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu được cải thiện, song giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động, đặc biệt là giữa các nước phát triển và những thị trường mới nổi. Điều này có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới sớm đạt được mức như thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
IMF cũng đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của các biến chủng vi rút mới sẽ là những đòn giáng mạnh vào tiến trình hồi phục chung khi làn sóng dịch mới đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang, lạm phát kéo dài. Do đó việc tiếp cận được thanh khoản quốc tế có ý nghĩa sống còn để giúp các nước ứng phó với khủng hoảng.
Cơ chế phân bổ SDR mới có hiệu lực từ ngày 23-8 tới đây sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên IMF, giải quyết nhu cầu của thế giới trong dài hạn về dự trữ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy sự linh hoạt, ổn định của kinh tế toàn cầu, qua đó giúp các nước bị ảnh hưởng nhất có thể ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo IMF, khoảng 275 tỷ USD trong lần phân bổ mới sẽ được chuyển đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó có các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, cơ chế phân bổ SDR mới dự kiến bổ sung cho những nỗ lực của IMF và các tổ chức đa phương khác, như Sáng kiến tạm ngừng nghĩa vụ trả nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm hạn chế tác động của đại dịch với các nền kinh tế đang gặp khó khăn về tài chính.
Trước đó, đề xuất phân bổ SDR mới đã bị trì hoãn trong hơn 1 năm qua, do Mỹ, quốc gia thành viên có quyền phủ quyết duy nhất, dưới thời chính phủ nhiệm kỳ trước đã bác bỏ. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng đảo ngược quan điểm và bày tỏ ủng hộ kế hoạch này. Tại hội nghị mùa xuân trực tuyến giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4 vừa qua, đề xuất cũng đã nhận được sự đồng tình rộng rãi từ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 cũng như giới chức các nước thành viên IMF khác.
Sau gần 2 năm hoành hành, đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 4,2 triệu người trên thế giới, đẩy nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng y tế, lương thực, nhân đạo. Dù trước mắt còn nhiều thách thức, song quyết định của IMF lần này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của các quốc gia trong duy trì động lực để bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu cũng như cuộc sống, sinh kế của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết