Các đại biểu dự hội nghị
Dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan khối kinh tế; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Quý II, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh và thông qua Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và chức năng nhiệm vụ được giao. HĐND tỉnh đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIX, triển khai các chương trình giám sát, khảo sát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh một số nội dung về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá các dự án thực hiện vốn ngoài ngân sách, triển khai hiệu quả các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành; kiểm tra, rà soát xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho người dân; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan khối kinh tế đã thực hiện hiệu quả việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước đạt 8,08%, đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 20/63 tỉnh, thành phố. Một số ngành, lĩnh vực chủ yếu có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Khu vực nông lâm thủy sản tăng 4,77%, công nghiệp xây dựng tăng 12.3%, dịch vụ tăng 7.48%. Du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại và có nhiều khởi sắc; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt được kết quả nhất định; cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh phát huy hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như: Một số sản phẩm công nghiệp, sản phẩm xuất khẩu hàng hóa đạt thấp so với kế hoạch; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp khó khăn. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện chuyển đổi số còn chậm so với kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch …
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đã làm rõ kết quả đạt được trên các lĩnh vực, đồng thời phân tích nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn. Theo đó, bên cạnh các yếu tố khách quan như: do tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, phức tạp, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và do việc quyết định phân bổ vốn để thực hiện một số chương trình, dự án chậm còn có nguyên nhân chủ quan. Trước hết là tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả… Một số nhà thầu sau khi trúng thầu đã không thực hiện đúng các quy định trong hồ sơ đấu thầu.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, mặc dù 6 tháng đầu năm có nhiều khó khăn do biến động giá cả, dịch bệnh phức tạp, nhưng tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,08% phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực. Đồng chí thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, đó là việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án còn chậm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa tập trung...
Trong quý III và 6 tháng cuối năm, đồng chí đề nghị các cấp, ngành cần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần “phục vụ”, “kiến tạo”, tạo niềm tin và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Các cấp, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung vào những khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát cụ thể các chỉ tiêu đã đề ra, đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời có giải pháp đảm bảo cung cấp giống trồng rừng cho người dân đúng thời vụ, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, điều chỉnh đơn giá đền bù các vật kiến trúc trên đất giải phóng mặt bằng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phấn đấu thu hút trên 2, 2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng.
Đồng chí lưu ý các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp để nhanh chóng giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các công trình, dự án thuộc vốn đầu tư công năm 2022. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiến độ triển khai các dự án công nghiệp và tình hình dịch Covid - 19 tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chú trọng thực hiện tốt các hoạt động tài chính, tín dụng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… Đặc biệt, cần chú trọng công tác triển khai tiêm phòng vắc xin Covid - 19, tuyên truyền nhân dân thực hiện tiêm phòng mũi tăng cường theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo an sức khỏe cho nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết