Quyết tâm của Đảng, kỳ vọng của dân

- Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bế mạc, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang xem đây là kỳ Hội nghị lịch sử có tính “bước ngoặt then chốt” đưa ra những quyết sách lịch sử, mang tính chiến lược, định hướng cho giai đoạn cách mạng mới đầy thách thức và cơ hội của nước ta.

Hội nghị lịch sử, những quyết sách lịch sử

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc ngày 12-4-2025 sau 3 ngày làm việc khẩn trương với sự thống nhất tuyệt đối. Có thể coi đây là “hội nghị của những việc cần làm ngay”, “hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử” trong giai đoạn Cách mạng mới của Việt Nam.

Cán bộ và nhân dân xã Hồng Sơn (Sơn Dương) kỳ vọng vào chủ trương lớn của Đảng.

Trung ương Đảng đã đồng tâm nhất trí về các nội dung được nêu trong các Tờ trình, Báo cáo, Đề án về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất về số lượng đơn vị cấp tỉnh; về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để cả nước giảm khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Trung ương thống nhất đánh giá, công tác tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031... Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị. 

Ngay sau Hội nghị, tinh thần khẩn trương, tranh thủ từng giờ, từng phút còn thể hiện ở việc Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 18 sẽ họp để cụ thể hóa các công việc cần làm, đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới và phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc.

Chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược

Qua theo dõi thông tin Hội nghị lần thứ 11 trên các phương tiện truyền thông, cán bộ, đảng viên và nhân dân tại Tuyên Quang bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng lớn đối với những nhóm nội dung Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa thông qua.

Tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11, ông Mai Quang Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là vấn đề hành chính cơ học mà đó là quy hoạch vùng; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đó là tầm nhìn chiến lược.

Người dân huyện Yên Sơn theo dõi tin tức về Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

“Đối với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, hai địa phương được sáp nhập với nhau có khá nhiều điểm tương đồng, có sự liên thông, liên kết về mặt văn hóa, chính trị, xã hội trong nhiều năm. Điều kiện đó giúp địa phương mới sau này phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả. Đặc biệt, sau khi sáp nhập, Tuyên Quang sẽ có thêm không gian và dư địa để phát triển”.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cần phải có chính sách đủ mạnh, đặc thù để “giữ chân” được những người thật sự có tài, có năng lực ở lại trong bộ máy hành chính để phục vụ và phụng sự nhân dân; loại bỏ được những cán bộ công chức không có năng lực, tham quyền, cố vị, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Đồng tình và đánh giá cao những nội dung mà Hội nghị Trung ương thảo luận và quyết định ông Quan Anh Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết: Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn. Nội dung này phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử trong giai đoạn hội nhập quốc tế khu vực. Ngoài ra, khi bỏ cấp huyện sự chỉ đạo sẽ được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, giảm bớt thời gian và đổi mới vai trò cán bộ, đảng viên trong giai đoạn đất nước vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà Quan Anh Hiển cho biết thêm, đối với công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và Bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, nhiệm kỳ mới này cán bộ, đảng viên xã Trung Hà rất kỳ vọng vào đường lối chủ trương chính sách mới của Đảng, nhất là việc tinh gọn sắp xếp lại bộ máy chính quyền.

Đảng viên Triệu Thị Oanh, thôn 9, xã Trung Môn (Yên Sơn) cho rằng: Những quyết sách của Trung ương thể hiện dân chủ, tập trung, với quyết tâm lớn và phương pháp đúng để đi đến quyết định giảm khoảng 60 - 70% số lượng cấp xã là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

“Không còn cấp huyện về mặt hành chính đã bớt đi sự cồng kềnh rất nhiều. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa người dân rất mong muốn tiếng nói của họ đến với nơi cần nghe. Giảm bớt cấp huyện thì lên tới cấp tỉnh ngay. Từ cấp tỉnh thì có thể truyền đạt tới cấp trung ương. Đấy là nguyện vọng người dân đã được thực hiện một cách nhanh chóng” bà Oanh chia sẻ.

Kỳ vọng những quyết sách mới

Bày tỏ sự tin tưởng cao đối với những quyết sách của Trung ương, trong đó Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương quyết sách, ông Nguyễn Trác Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Sơn Dương cho biết: “Tôi rất tâm đắc với việc xây dựng, ban hành pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp; xử lý triệt để các “điểm nghẽn” về thể chế để biến thành nguồn lực, lợi thế cạnh tranh. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung có nhiều cơ hội phát triển hơn”.

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cảm thấy phấn khởi và đặt niềm tin tưởng lớn lao vào công cuộc đổi mới quan trọng của đất nước, đánh dấu bước chuyển mình trong giai đoạn mới. Bà Phượng cũng kỳ vọng rằng, bộ máy mới sau này sẽ có những cán bộ thực sự có năng lực, nhiệt huyết và trách nhiệm để gần dân, sát dân và phục vụ dân.

Với sự đồng lòng, nhất trí cao trong nhận thức và hành động, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tin tưởng sâu sắc rằng những quyết sách lịch sử của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ, mở ra những cơ hội mới để đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: Thanh Tùng

Tin cùng chuyên mục