Khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống người dân
Trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất dễ tái nghèo.
Gia đình chị Bàn Thị Phương, dân tộc Dao ở xã Phúc Yên (Lâm Bình) năm nay đặt mục tiêu thoát nghèo nhưng đã không thể thực hiện được. 2 vợ chồng chị đang làm công nhân Khu công nghiệp ở Bắc Ninh thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, do có tiếp xúc với đối tượng F0 nên vợ chồng chị phải cách ly dài ngày. Số tiền tích cóp định bụng trở về quê để đầu tư làm ăn cũng dần tiêu hết. Để hỗ trợ gia đình chị Phương và các trường hợp khác bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai ngay chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, vợ chồng chị Phương được Nhà nước hỗ trợ hơn 5,7 triệu đồng. Chị Phương cho biết, cả gia đình đã cố gắng lắm để vươn lên thoát nghèo sớm nhất nhưng thật khó khi dịch bệnh cứ hoành hành.
Nhiều hộ người Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) phát triển hiệu quả mô hình nuôi trâu
nhốt chuồng vươn lên thoát nghèo.
Làm nghề lái xe tải vận chuyển hàng hóa nhưng nhiều tháng nay, công việc của anh Đỗ Văn Thường ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đi ra tỉnh thì chi phí cao, nặng tiền xét nghiệm mà quanh tỉnh thì ít việc. Anh Thường bảo, dịch Covid-19 đúng là chẳng chừa một ai, hầu hết đều bị ảnh hưởng, ở xã anh nhiều hộ nuôi lợn do giá lợn hơi xuống thấp dẫn đến bị thua lỗ, nông sản trồng ra cũng khó tiêu thụ.
Mặc dù chịu nhiều tác động song toàn tỉnh đã đặt quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó công tác giảm nghèo. Tỉnh đang cố gắng đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì “vùng xanh”, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Cùng với đó tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đặc thù của từng địa phương.
Tiếp tục các giải pháp đồng bộ
Cuối năm 2020 toàn tỉnh còn 19.137 hộ nghèo, chiếm 9,03%. Mục tiêu năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu giảm 2,1% hộ nghèo xuống còn 6,93%. Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tiến hành rà soát nguyên nhân nghèo, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo đồng bộ, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, thực hiện tốt các chương trình, dự án về giảm nghèo, triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 một cách đầy đủ, kịp thời.
Gia đình anh Trần Ngọc Chung ở xã Hợp Thành (Sơn Dương) được tạo điều kiện vay vốn phát triển nghề mộc đem lại thu nhập
ổn định.
Gia đình anh Trần Ngọc Chung ở thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành (Sơn Dương) có đất nhưng thiếu vốn sản xuất. Anh đã được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau khi có vốn, anh Chung đã phát triển mô hình trồng rừng, đầu tư xưởng mộc, nhờ đó thu nhập ngày càng ổn định. Anh Chung cho biết, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách đã giúp gia đình anh đầu tư mô hình sản xuất phù hợp, đem lại thu nhập ổn định. Do đó anh đang làm đơn để xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo như hỗ trợ nguồn vốn vay, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ về giáo dục đào tạo, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt... đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Hợp Thành đã giảm xuống còn dưới 4%. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, ngay từ đầu năm UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng thôn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách hộ gia đình dự kiến thoát nghèo trong năm để theo dõi, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao.
Các huyện, thành phố cũng đang quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4% mỗi năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát thật kỹ số hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, hộ nghèo hiểu rõ các chính sách hỗ trợ, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên. Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo và cận nghèo, khai thác triệt để các thế mạnh của địa phương về phát triển du lịch, nuôi trồng cây, con đặc sản… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn.
Thu hút đầu tư tạo ra việc làm cho người dân địa phương là giải pháp hiệu quả góp phần thoát nghèo. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).
Tỉnh đang xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Đồng thời gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối; thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo ra thu nhập ổn định để hộ nghèo vươn lên…
Gửi phản hồi
In bài viết