Không còn phải đi làm ăn xa
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm - người đã từng công tác ở Yên Lâm hơn hai chục năm nay chia sẻ, kể từ khi Nhà nước quyết định giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất từ hàng chục năm về trước, đời sống của người dân ở Yên Lâm đã thực sự đổi thay. Người dân được giao đất trồng rừng nên đã chú tâm đầu tư nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. Nhiều người trước đây phải xa quê đi làm ăn nhưng nay nhờ được giao đất trồng rừng đã ổn định cuộc sống, làm ra tiền của ngay từ chính mảnh đất quê hương.
Toàn xã hiện có trên 9 nghìn ha rừng trồng sản xuất của nhân dân. Thu nhập chính của người dân Yên Lâm hiện nay là cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Rừng khai thác đến đâu được trồng gối vụ đến đó. Chính quyền xã Yên Lâm cũng đã tuyên truyền, vận động để triển khai cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Hiện nay, toàn xã có trên 44 ha rừng được hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh khóa XVIII.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, từ Dự án “Rừng môi trường” do Nhật Bản hỗ trợ được triển khai trên địa bàn 2 thôn Ngòi Sen, Quảng Tân với 215 ha đã mang lại hiệu quả tích cực. Đối tượng được hỗ trợ của dự án này chủ yếu là người Mông. Toàn bộ diện tích này đã khai thác lần 1 và đang chuẩn bị khai thác lần 2. Dự án cũng đã góp phần đáng kể nâng cao mức sống của người dân ở hai thôn.
Cán bộ xã, thôn tham quan rừng trồng của gia đình anh Nguyễn Văn Tạo (bên phải ảnh), thôn Ngõa.
Đưa chúng tôi đi thăm cánh rừng đang sinh trưởng tốt với diện tích 6 ha, anh Nguyễn Văn Tạo, người dân thôn Ngõa cũng là chủ rừng cho biết, toàn bộ diện tích rừng này của gia đình anh đã cho khai thác lần 1, thu về 500 triệu đồng. Chỉ còn gần một năm nữa, rừng sẽ cho khai thác lần hai. Ngoài trồng rừng, gia đình anh còn trồng cam, canh tác vài sào lúa. Nhớ lại những tháng ngày cơ cực khi chưa trồng rừng, anh Tạo kể: “Trước kia, khi Nhà nước chưa giao đất để trồng rừng, cả hai vợ chồng mình đều đi làm công nhân, làm thợ xây để có tiền nuôi con ăn học. Từ ngày trồng rừng và được khai thác, đời sống của gia đình mới bớt khó khăn, có của ăn của để. Từ rừng, mình cũng sửa sang lại nhà cửa gọn gàng hơn trước”. Anh Nguyễn Văn Tỵ, Trưởng thôn Ngõa cho biết, cả thôn có 115 hộ, 175 ha rừng trồng sản xuất của nhân dân. Thu nhập chính của người dân ở thôn Ngõa hiện nay từ rừng. Hộ nghèo của thôn giảm mạnh cũng nhờ rừng. “Khi chưa có rừng, thanh niên trai tráng của thôn đều đi làm ăn xa. Đến mùa vụ mới về. Nhưng nay có rừng rồi, người dân không còn đi tìm việc để làm thuê, làm mướn nữa. Vận động, triển khai công việc gì của thôn cũng thuận lợi hơn trước”.
Cùng với thôn Ngõa, đời sống của người dân thôn Tháng Mười cũng đi lên nhờ chính sách giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất của tỉnh. Theo anh Phùng Duy Lượng, hiện nay ngoài liên kết với Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên với khoảng 200 ha rừng thì người dân ở đây còn có 130 ha rừng trồng sản xuất. Người dân không phải đi làm ăn xa cũng có tiền xây nhà to, kiên cố. Nhờ trồng rừng cũng đã tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động trong thôn, nhiều người không phải đi làm ăn xa như trước kia. Tỷ lệ hộ dân có nhà xây kiên cố đạt trên 70%. Ông Bàn Chí Thanh có 5 ha rừng, trong đó đã khai thác 1,5 ha. Trước đây, ông có 3,5 ha đất đồi trồng cam nay cũng đã chuyển sang trồng rừng. Nhà chỉ có 2 lao động nên gia đình ông thuê thêm 3 lao động thời vụ để trồng, chăm sóc rừng. Từ rừng và cây ăn quả, gia đình ông vừa mới khánh thành ngôi nhà xây trị giá gần 1 tỷ đồng. Ông bảo: “Trồng cam thì phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Còn trồng rừng ăn chắc hơn”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thoát nghèo
Nói về phát triển rừng trong những năm gần đây, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Lâm trăn trở rất thật: “Đúng là nhờ trồng rừng mà kinh tế của nhân dân từng bước ổn định, thu nhập tăng lên. Nhiều hộ không phải đi làm ăn xa như trước. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2016 là 37% nhưng đến hết năm 2020 chỉ còn 12,39%. Mặt bằng chung là như vậy song có thôn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Hộ nghèo do chuyển từ nơi khác về hoặc mới tách hộ nên thiếu đất sản xuất.
Thu nhập từ rừng đã giúp gia đình ông Nguyễn Chí Thanh, thôn Tháng Mười kiến thiết được nhà cửa khang trang.
Những năm qua, xã đã đề nghị Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên trả lại 200 ha đất lâm nghiệp để giao lại cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Phương án này đã được phê duyệt từ năm 2016 nhưng trên thực tế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do một số diện tích đất đã bị lấn chiếm từ trước và một phần diện tích đất lâm nghiệp vẫn còn sản phẩm rừng trồng của lâm trường trên đó chưa đến tuổi khai thác. Vì vậy chưa trả đủ được như phương án đã được phê duyệt”. Đây chính là “nút thắt” trong công tác giảm nghèo, giúp hộ nghèo có nguyên nhân thiếu đất sản xuất thoát nghèo.
Để giải quyết việc này, trước mắt, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên và xã Yên Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo trong phát triển kinh tế như hỗ trợ vay vốn sản xuất để phát triển chăn nuôi gia súc; khảo sát nhu cầu được hỗ trợ của nhân dân.
Giúp nâng cao giá trị kinh tế của rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên và xã Yên Lâm cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông. Hiện nay, tuyến đường ĐH 06, 12 có chiều dài 27km đã hoàn thành bê tông hóa 24km. Đường trục xã dài 7km đã được bê tông hóa 100%, đường vào khu sản xuất đã bê tông hóa 12km, đạt 70%.
Cùng với chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả thì rừng ở Yên Lâm là một trong ba thế mạnh nhằm phát huy lợi thế sẵn có giúp người dân ở đây vươn lên làm giàu. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết vướng mắc trong bàn giao đất lâm trường cho địa phương. Từ đó tạo điều kiện để hộ nghèo có đất trồng rừng, vươn lên thoát nghèo từ rừng.
Gửi phản hồi
In bài viết