Có thể thấy có 3 cấp độ sợ sai: cấp độ thấp là không biết gì nên không làm. Cấp độ cao hơn là có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, nhưng không có lợi ích thì không làm. Cấp độ thứ 3 là biết, nhưng sợ sai nên không làm.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai, không dám làm là vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai. Thực ra, bản chất cơ chế, chính sách là đúng, nhưng bị những người có chức quyền, có hiểu biết lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất, mưu lợi cá nhân. Nhìn lại đa số cán bộ, công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng thì thấy là do họ có đạo đức, trọng danh dự. Nên không thể coi cơ chế, chính sách là lý do để sợ sai.
Trong thực tế, hầu hết cán bộ đảng viên đều dám nghĩ. Nhưng từ dám nghĩ đến dám nói, dám làm vẫn còn khoảng trống không nhỏ. Nên mới rộ lên trào lưu "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước hội đồng xét xử". Nên nghị trường Quốc hội đã có đại biểu ví von: "Bên trong cán bộ sợ sai/Bên ngoài dân chúng thở dài lo âu".
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến". "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".
Nên cần rút ngắn khoảng cách giữa nghĩ và làm. Bởi nếu làm đúng chức trách, phận sự của mình thì không cần sợ sai. Nếu luôn vì lợi ích của nhân dân, mang lại hiệu quả cho sự phát triển và tiến bộ xã hội thì dù "xé rào" cũng vẫn luôn được ủng hộ.
Gửi phản hồi
In bài viết