Cán bộ quản lý, giáo viên Hà Nội nghiên cứu sách giáo khoa mới cấp tiểu học.
Theo ý kiến phản ánh, hiện nay, mỗi trường tiểu học chọn dạy một loại sách nên khi học sinh phải chuyển trường, gặp khó khăn trong học tập vì chương trình không giống nhau; bài tập cho học sinh làm trực tiếp vào sách giáo khoa nên năm sau không sử dụng được dù sách vẫn mới..., gây lãng phí.
Theo nội dung văn bản trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định chương trình và sách giáo khoa như sau: Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, quy định: Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục. Sách giáo khoa được biên soạn để sử dụng lâu dài, nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1, 2, 3 và 4 của các nhà xuất bản để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa, quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của UBND các cấp, cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm tính ổn định, sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.
Gửi phản hồi
In bài viết