Samsung phản hồi các cáo buộc Galaxy S Ultra chụp ảnh Mặt trăng giả mạo

Samsung vừa chính thức phản hồi về những cáo buộc làm giả ảnh chụp Mặt trăng bằng tính năng Space Zoom do trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ trên các dòng điện thoại Galaxy S Ultra.

Tính năng zoom "chụp tới mặt trăng" được Samsung nhấn mạnh khi tung ra Galaxy S23 Ultra mới nhất.

Các mẫu điện thoại Samsung Galaxy S Ultra thế hệ mới được quảng bá sở hữu cụm camera có khả năng quay chụp siêu việt, thậm chí có thể soi tỏ Mặt Trăng. Tuy nhiên, gần đây rộ lên hàng loạt phản ánh về việc nhà sản xuất Hàn Quốc làm giả ảnh chụp Mặt trăng bằng tính năng Space Zoom.

Trong một số bài đăng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người dùng đã thử nghiệm khả năng của Galaxy S dòng Ultra nhằm chứng minh rằng mức thu phóng 100x là sử dụng mánh khóe để tạo ra hình ảnh Mặt trăng có độ chi tiết cao. 

Hình ảnh do Breakphotos đăng tải trên Reddit, gồm ảnh gốc mờ
và ảnh sau khi xử lý bởi điện thoại Samsung.

Đáng chú ý, tài khoản Breakphotos trên mạng xã hội Reddit thậm chí dùng điện thoại chụp lại một bức ảnh Mặt trăng độ phân giải thấp trên màn hình máy tính (có độ phân giải cực thấp chỉ 170x170 và đã làm mờ hoàn toàn các chi tiết), nhưng sau đó vẫn thu được một bức hình với các chi tiết không hề tồn tại trong ảnh gốc. 

Phản hồi các cáo buộc này, Samsung giải thích, nếu người dùng bật chế độ tối ưu cảnh (Scene Optimizer), AI sẽ nhận biết khi họ chụp ảnh mặt trăng ở độ phóng (zoon) từ 25X trở lên. Khi đó, cơ chế sẽ giảm độ sáng, chụp nhiều tấm hình (để giảm độ nhiễu và cải thiện độ sáng của ảnh thành phẩm), sau đó sẽ sử dụng AI để tăng cường các chi tiết thông qua “tư liệu lấy từ các bức ảnh tham khảo”. 

Cũng theo hãng điện tử Hàn Quốc, do Mặt trăng quay quanh trái đất, nên người dùng luôn nhìn thấy bề mặt giống nhau, đồng thời nhấn mạnh tính năng tối ưu ảnh chụp không đạt hiệu quả nếu Mặt trăng trong ảnh gốc bị che khuất, hoặc không chụp từ Trái đất. Dĩ nhiên, Scene Optimizer luôn có thể được tắt đi nếu người dùng mong muốn.

Theo ý kiến của giới công nghệ, việc tô điểm cho bức ảnh bằng các thủ thuật số hóa không mới, và việc Samsung tạo hiệu ứng dựa trên dữ liệu từ ảnh người dùng chụp ban đầu là cách giải thích có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ rõ, việc “vẽ” chủ thể vào bức hình chụp để quảng cáo không phải cách tiếp thị trung thực, đặc biệt là khi nhà sản xuất muốn minh họa cho cơ chế zoom của máy ảnh tích hợp trên điện thoại. 

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục