Giao diện NoiBai A-CDM tại màn hình cong tiện lợi cho việc theo dõi khai thác thông tin.
Sau thành công của việc triển khai thử nghiệm mô hình lần 1 tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 26/3/2023 đến ngày 30/4/2023, với hơn 3 nghìn lượt chuyến bay trong khung giờ áp dụng A-CDM cất hạ cánh an toàn, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định chấp thuận tiếp tục triển khai thử nghiệm khai thác thực tế mô hình A-CDM lần 2 từ ngày 25/7/2023 đến ngày 31/10/2023.
Để bảo đảm hiệu quả đợt thử nghiệm lần 2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ trì tổ hội thảo huấn luyện đào tạo, chia sẻ thông tin về hệ thống A-CDM với sự tham gia của các đơn vị liên quan.
“Trong lần 1, thử nghiệm A-CDM được đánh giá đạt kết quả khả quan. Sang lần 2, tất cả các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong công tác bố trí kỹ thuật, nhân lực, tuân thủ nghiêm quy trình để việc triển khai áp dụng A-CDM thành công, đặc biệt khi có các tình huống bất ngờ xảy ra”, ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tổ trưởng Tổ A-CDM tại Nội Bài chia sẻ.
Cũng theo ông Tô Tử Hà, thời gian thử nghiệm A-CDM lần này kéo dài hơn 3 tháng, chia thành 2 giai đoạn, áp dụng cho tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế đi/đến qua Cảng.
Giai đoạn 1 áp dụng A-CDM liên tục 8 tiếng mỗi ngày, từ 8 giờ đến 16 giờ hằng ngày, từ ngày 25/7 đến 31/8/2023. Giai đoạn 2 áp dụng A-CDM liên tục 12 tiếng mỗi ngày, từ 8 giờ đến 20 giờ, từ ngày 1/9 đến 31/10/2023.
Trước đó, việc thử nghiệm A-CDM lần 1 diễn ra trong 1 tháng, mỗi ngày áp dụng 4 tiếng chia làm 2 khung giờ, mỗi khung giờ kéo dài 2 tiếng.
Việc thử nghiệm khai thác mô hình A-CDM trong thời gian liên tục, kéo dài với nhiều tình huống khác nhau lần này sẽ giúp đánh giá sát sao, chính xác hơn hiệu quả của hệ thống A-CDM.
Sơ đồ kết nối, trao đổi thông tin của các mắt xích cùng khai thác thử nghiệm mô hình A-CDM.
Về quy trình A-CDM, trong đợt thử nghiệm khai thác thực tế lần 2, để tăng hiệu quả của hệ thống, đòi hỏi mọi mắt xích tham gia phải tuân thủ nghiêm 16 cột mốc quan trọng, tính từ khi Cảng bắt đầu nhận kế hoạch bay từ các hãng hàng không cho đến khi tàu bay cất cánh an toàn.
Thời gian thử nghiệm A-CDM lần 2 này kéo dài hơn 3 tháng, áp dụng cho tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến hết tháng 8, áp dụng A-CDM liên tục 8 tiếng mỗi ngày, từ 8 giờ đến 16 giờ. Giai đoạn 2 từ ngày 1/9 đến 31/10/2023, áp dụng A-CDM liên tục 12 tiếng, từ 8 giờ đến 20 giờ. Việc thử nghiệm A-CDM trong thời gian liên tục, kéo dài với nhiều tình huống khác nhau lần này sẽ giúp đánh giá sát sao, chính xác hơn hiệu quả của hệ thống A-CDM.
Cụ thể, các hãng hàng không gửi kế hoạch bay đến Cảng trước 10 giờ sáng hằng ngày, nếu thay đổi, gửi lại trước 18 giờ cùng ngày; thời gian xác định chuyến bay chậm-muộn được thống nhất siết chặt, muộn từ 15 phút đến dưới 60 phút, hãng hàng không phải gửi điện văn thông báo chuyến bay “delay”; nếu muộn quá 60 phút, hãng hàng không phải ban hành kế hoạch bay mới.
Trong 16 cột mốc của quy trình phục vụ chuyến bay, có 2 cột mốc quan trọng nhất cần các bên lưu ý và tuân thủ nghiêm: Thời gian rời vị trí mục tiêu (TOBT) và Thời gian cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT).
Về chỉ số TOBT, để bảo đảm cho việc tính toán được chính xác và cung cấp kịp thời, các đơn vị phục vụ mặt đất có trách nhiệm cập nhật dữ liệu theo tiến trình của tàu bay vào hệ thống A-CDM Portal (lưu ý nhập dữ liệu giờ thực tế tàu bay vào vị trí đỗ muộn nhất sau 2 phút kể từ khi tàu bay dừng tại vị trí đỗ) để giờ TOBT được cập nhật chính xác, từ đó bảo đảm chuỗi quy trình tính toán tiếp theo đúng giờ.
Về chỉ số TSAT, tổ lái lưu ý chỉ xin cấp huấn lệnh nổ máy dao động trong vòng 5 phút so với giờ TSAT đã ban hành, nếu sớm so với khung giờ này, đài chỉ huy sẽ yêu cầu tổ lái chờ và xin cấp huấn lệnh lại trong khung giờ TSAT, nếu muộn so với khung giờ TSAT, chuyến bay sẽ bị đưa ra khỏi trình tự khởi hành.
Trong đợt đầu triển khai, mô hình A-CDM tại Nội Bài đã được áp dụng trong nhiều tình huống và điều kiện khai thác thực tế khác nhau như điều kiện khai thác bình thường cho đến các tình huống bất thường (tàu bay bị trục trặc kỹ thuật, thời tiết bất lợi, phục vụ chuyên cơ…), do đó, nhiều chỉ tiêu đã được lượng hóa để tính toán hiệu quả của A-CDM.
Thứ nhất, độ tuân thủ thời gian rời vị trí mục tiêu (TOBT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 98%. Tỷ lệ này cho biết trạng thái thực tế tàu bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, cho thấy được mức độ chính xác, kịp thời trong công tác phục vụ cho một chuyến bay của đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không dựa trên kế hoạch đã được đưa ra trước đó.
Thứ hai, độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 95%. Chỉ số này cho thấy mức độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy theo trình tự khởi hành đã được đưa ra bởi cơ quan không lưu cũng như việc xin cấp huấn lệnh của tổ lái được tuân thủ trong khung TSAT tiêu chuẩn +/-5 phút được tuân thủ rất nghiêm túc và chính xác.
Thứ ba, chỉ số thời gian lăn của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm A-CDM được ghi nhận giảm so với trung bình năm 2022. Theo tính toán thời gian lăn ra (taxi-out) để cất cánh của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm tại Cảng đạt 13 phút, giảm 3 phút so với trung bình năm 2022 trước khi thử nghiệm.
Thời gian lăn vào (taxi-in) của tàu bay tính từ thời điểm tàu bay hạ cánh thực tế trên đường băng và lăn vào vị trí đỗ trung bình trong khung giờ thử nghiệm đạt 7 phút, giảm 1 phút so với trung bình trước khi thử nghiệm.
Gửi phản hồi
In bài viết