Công nhân đóng gói vắc xin Covishield của AstraZeneca tại Pune (Ấn Độ).
Tín hiệu vui đáng chú ý nhất đối với nguồn cung vắc xin của thế giới xuất hiện trong đầu tuần này. Theo đó, sau một thời gian khó khăn vì phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới của biến chủng Delta, Ấn Độ đang liên tục tăng sản lượng với mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vắc xin phòng Covid-19 hàng đầu thế giới. Trong quý IV-2021, nước này dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 1,1 tỷ liều vắc xin, chủ yếu là AstraZeneca, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn tăng cường xuất khẩu. Theo truyền thông địa phương, sản lượng vắc xin Covid-19 của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới hiện nay - vào khoảng 150 triệu liều AstraZeneca mỗi tháng, tăng gấp đôi so với sản lượng tháng 4.
Hoạt động sản xuất vắc xin tại Ấn Độ được xem là "mắt xích" quan trọng trong nỗ lực cải thiện nguồn cung của hãng dược phẩm AstraZeneca. Hãng dược này đang phấn đấu xuất xưởng khoảng 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 mỗi năm. Đây cũng là con số mà hãng dược Trung Quốc Sinopharm theo đuổi. Trong khi đó, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) tuy mới chỉ xuất xưởng được khoảng 800 triệu liều vắc xin trong năm 2021, nhưng khẳng định sẽ nâng con số này lên 3 tỷ liều vào năm 2022.
Bên cạnh nỗ lực gia tăng sản lượng, việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất cũng đang là một phần "mục tiêu kép" của các hãng dược. Đây được xem là biện pháp cho phép hạn chế rủi ro, tối ưu hóa chuỗi cung ứng đồng thời mở ra khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu vắc xin phòng dịch tại chỗ. Trên trang web của mình, hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết, sau 18 tháng kể từ khi hợp tác với Trường Đại học Oxford (Anh) phát triển thành công vắc xin phòng Covid-19 Vaxzevria, hãng đã thiết lập xong 25 cụm sản xuất ở 15 quốc gia nhằm “cung cấp vắc xin tới mọi khu vực trên thế giới một cách nhanh chóng nhất”.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech mới đây nhất đã đạt thỏa thuận với hãng Eurofarma (Brazil) để sản xuất khoảng 100 triệu liều vắc xin Comirnaty mỗi năm, đủ cung ứng cho khu vực Mỹ Latinh.
Như vậy, tính hết tháng 8, bộ đôi doanh nghiệp dược phẩm AstraZeneca - Pfizer/BioNTech vận hành tổng cộng 20 cụm sản xuất trên bốn lục địa, có thể xuất xưởng 2,5 tỷ liều vắc xin trong năm 2021 và 3 tỷ liều trong năm 2022. Tương tự, hãng dược phẩm Johnson & Johnson vừa bắt tay với Công ty Aspen Pharmacare (Nam Phi) nâng sản lượng vắc xin tại khu vực này thêm khoảng 200 triệu liều mỗi năm kể từ tháng 1-2022.
Theo giới quan sát, hoạt động sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bước vào giai đoạn mở rộng sản xuất trên quy mô toàn cầu là tín hiệu hết sức tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, bên cạnh tập trung vào sản lượng, các hãng dược cũng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thành phẩm khi ủy quyền sản xuất cho nhiều đối tác khác nhau. Ngoài ra, việc nguồn cung vắc xin tăng nhanh thiếu đồng bộ có thể khiến vấn nạn thiếu hụt trang thiết bị bảo quản và vật tư tiêm chủng trở nên nghiêm trọng. Nếu không được phân phối hợp lý, vắc xin phòng Covid-19 sản xuất dư thừa không được sử dụng kịp thời sẽ dẫn tới phải tiêu hủy, gây ra lãng phí.
Không thể phủ nhận, trong bối cảnh thế giới ước tính cần tới 11 tỷ liều vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, việc các hãng dược nỗ lực đáp ứng nguồn cung là động thái rất đáng khích lệ. Đây cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho phép các chương trình cung ứng vắc xin, đặc biệt là cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết